Giá gạo xuất khẩu cao tạo lợi thế cho doanh nghiệp và nông dân

Cập nhật, 16:01, Thứ Ba, 22/05/2018 (GMT+7)

Giá xuất khẩu (XK) bình quân chung cho các thị trường trong 4 tháng của năm 2018 là 503 USD/tấn, được xem là giá XK cao trong vòng 9 năm qua của các doanh nghiệp (DN) XK gạo trong tỉnh. Nếu mức giá này tiếp tục được duy trì thì đây là lợi thế cho cả DN lẫn nông dân (ND).

Thị trường đa dạng

“XK gạo năm 2018 hứa hẹn nhiều tín hiệu tốt lành bởi từ đầu năm 2018 đến nay, DN trong nước đã xuất được 2.160.000 tấn, với giá trị XK đạt 1,1 tỷ USD, trong đó 18 DN trong tỉnh XK đạt 126.863 tấn, tương đương 63,86 triệu USD, so cùng kỳ tăng 42,2% về lượng, tăng 54,8% về kim ngạch.

Ở thời điểm hiện nay, giá gạo Việt Nam đang ở mức cao và giá bình quân chung cho các thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 9 năm qua, đạt 503 USD/tấn.

Hiện tại, giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan từ 10-15 USD/tấn. Có được kết quả đó là nhờ thị trường và phương thức XK đa dạng, chất lượng sản phẩm được nâng lên…” - Ths. Nguyễn Sĩ Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

Ghe chở lúa trên các kênh, rạch
Ghe chở lúa trên các kênh, rạch

XK gạo những tháng đầu năm 2018 có nhiều khởi sắc, bởi ngoài việc đa dạng hóa thị trường XK thì cơ cấu gạo XK đang dịch chuyển từ gạo có phẩm cấp trung bình sang gạo có phẩm cấp cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Năm nay, các quốc gia nhập khẩu gạo như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc… ngoài mua gạo hàng năm còn gia tăng lượng gạo nhập khẩu để dự trữ.

Dự báo, thương mại gạo toàn cầu năm 2018 tăng ít nhất 0,5% so với năm trước…” - ông Nguyễn Thanh Phong, phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang chia sẻ.

Sở Công thương cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, gạo của ND trong tỉnh được các DN chào bán tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự đa dạng về thị trường góp phần quan trọng cho việc tiêu thụ lúa, gạo của ND trong vùng nói chung, An Giang nói riêng.

Ngoài hợp đồng tại những thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia thì tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, các DN XK đã năng động tìm kiếm được nhiều hợp đồng thương mại, từ đó chủng loại gạo XK đa dạng hơn, ngoài gạo của các giống lúa: IR 50404, OM 6976, OM 5451 còn có gạo Nàng Hoa, ST 20, Japonica...

Chất lượng nâng lên

Để phục vụ cho chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, ngành nông nghiệp đã vận động ND chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ các giống có phẩm cấp gạo thấp sang giống có phẩm cấp gạo cao như: 0M 6076, OM 4151, Jasmine, Nàng Hoa và ST 20…

Từ đó, thị trường gạo trong tỉnh được rộng mở. “Giống lúa IR 50404 cách đây 10 năm tuy năng suất cao nhưng thương lái “chê” vì hạt gạo bị bạc bụng.

Nay, cũng với giống lúa ấy, các nhà khoa học đã lai tạo thành công, cho ra giống IR 50404 năng suất cao, hạt gạo không bị bạc bụng. Đặc tính gạo xốp, nở, mềm cơm nên được thị trường Trung Quốc, Philippines ưa chuộng.

ND sản xuất giống lúa này rất phấn khởi vì sản lượng đạt cao, giá cũng cao” - ông Nguyễn Văn Dễ (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Gia đình ông Dễ có 3 đời sống với nghề nông, nuôi cá tra giống và canh tác 4ha lúa XK. Ông Dễ cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, gia đình ông rất phấn khởi vì ngoài lúa có giá, cá tra giống nuôi cũng đạt đầu con, vì vậy thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể.

Vụ đông xuân vừa qua, ông quyết định trữ lại toàn bộ 30 tấn lúa IR 50404 để chờ giá, gần đây ông đã bán số lúa tạm trữ với mức giá 6.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được trên 30 triệu đồng/ha.

Thương mại gạo thế giới trong năm 2018 dự kiến tăng 0,5% so với năm 2017 và chất lượng gạo đòi hỏi phải nâng lên, vì vậy đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới chính là sự chọn lựa hàng đầu,

ND cùng nhau thực hiện mô hình “Mua chung, bán chung”, hỗ trợ nhau về vốn sản xuất thông qua mô hình “Tín dụng nội bộ”, hưởng lợi từ các dịch vụ do hợp tác xã cung ứng như: tưới tiêu, làm đất, thu hoạch, phun xịt…

Và mục đích cuối cùng là tiếp tục hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo để gạo Việt Nam tiếp tục chinh phục người tiêu dùng thế giới.

XK gạo khởi sắc do cung đang thấp hơn cầu, điều đó cho thấy việc chuyển dịch 6.600ha đất trồng lúa kém hiệu quả của tỉnh sang trồng cây ăn trái là chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

“Hiện nay, XK gạo của các DN đang dần hạn chế tình trạng “mua ở đầu chợ, bán ở cuối chợ”, thay vào đó là phương thức liên kết trong sản xuất thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”, bởi thị trường tiêu thụ gạo Việt Nam đang đòi hỏi chất lượng gạo XK phải được nâng lên, giá cả ổn định, sản lượng không đột biến,

thời gian tập kết hàng để giao nhanh, vì vậy mô hình liên kết sản xuất “Cánh đồng lớn” mới đủ khả năng đáp ứng được những vấn đề vừa nêu” - ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, Phú Tân) khẳng định.

Theo Báo An Giang