Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ

Cập nhật, 05:31, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

 

KH-CN đã gắn liền thực tế để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón tham quan mô hình ứng dụng sản xuất nấm linh chi của Sở KH- CN.
KH-CN đã gắn liền thực tế để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón tham quan mô hình ứng dụng sản xuất nấm linh chi của Sở KH- CN.

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và ngày càng bám sát với tình hình thực tế ở địa phương

Nhiều kết quả quan trọng

Theo Sở KH-CN, kể từ khi xây dựng và phát triển, hoạt động KH-CN từng bước phát triển, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Hiện nay, ngành đã thực hiện 6 dự án cấp bộ và 437 đề tài, dự án cấp tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 1.019 đối tượng về sở hữu trí tuệ được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 906 nhãn hiệu hàng hóa, 104 kiểu dáng công nghiệp và 9 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sở KH- CN cũng đã hỗ trợ 84 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, 50 doanh nghiệp xây dựng trang thương mại điện tử…

Theo ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở KH-CN, các hoạt động về quản lý an toàn bức xạ; hoạt động thông tin KH-CN; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp; hoạt động thanh kiểm tra về KH-CN ngày càng được quan tâm, ổn định và phát triển:

“Trong những năm qua, các hoạt động KH-CN đã không ngừng đổi mới và phát huy hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH-CN, góp phần tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, tăng năng suất, đem lại hiệu quả cho người dân.

Trong đó, đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học, bảo quản- chế biến nông sản, các loại giống cây trồng, nấm ăn và nấm dược liệu…

Đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển giao, ứng dụng KH- CN phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn”.

Ông Nguyễn Trọng Danh cũng cho rằng, hiện nay nhận thức của các cấp, các ngành đối với vai trò, động lực của KH-CN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kéo theo đó là các cơ chế, chính sách được rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư KH-CN…

Gắn liền thực tế địa phương

Không thể phủ nhận rằng các hoạt động KH-CN nhiều năm qua gắn liền với thực tế địa phương, gắn với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh, nghiên cứu khoa học phải từ thực tế và từ đó áp dụng cho thực tế: “Các đề tài, dự án đều xuất phát từ yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết. Làm thế nào để góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, mô hình ứng dụng phải phục vụ phát triển nông thôn mới”.

Hiện nay, các lĩnh vực nghiên cứu đều mang lại hiệu quả và có thể nhân rộng. Trong lĩnh vực nông nghiệp thì đã khảo nghiệm, đánh giá, trình diễn giống lúa mới năng suất cao, các giống cây cao sản chất lượng cao hay nghiên cứu quy trình sản xuất tôm giống…

Trong lĩnh vực khoa học xã hội thì đã có nhiều đề tài nhằm để tỉnh Vĩnh Long đạt khá trong vùng ĐBSCL vào năm 2020; các vấn đề văn hóa, nhân văn… Các lĩnh vực còn lại như kỹ thuật- công nghệ; khoa học tự nhiên- môi trường; y tế… cũng đã có nhiều đề tài, dự án mang tính vĩ mô…

Xuất phát từ tình hình thực tế, các đề tài ra đời như “Chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái thanh trà”, “Chế biến và bảo quản sản phẩm có độ hoạt động của nước thấp từ nguyên liệu cá lóc nuôi”. Đây là một số trong nhiều đề tài đã và đang góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, cũng như phục vụ đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ngành KH-CN đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, tăng giá trị cho nhiều đặc sản của tỉnh.
Ngành KH-CN đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, tăng giá trị cho nhiều đặc sản của tỉnh.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Thủy (ĐH Cần Thơ)- chủ nhiệm đề tài “Chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái thanh trà” thì nghiên cứu này bám rất sát với tình hình thực tế tại tỉnh Vĩnh Long. Kết quả nghiên cứu đã cho ra đời 5 nhóm sản phẩm từ trái thanh trà, từ đó đã đa dạng hóa và tăng giá trị sản phẩm loại trái cây đặc sản của tỉnh.

“Nghiên cứu này sẽ giải quyết được vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, bảo quản nông sản, tăng giá trị, đặc biệt là có tính kinh tế rất cao. Bình quân quy mô hộ gia đình cũng cho thu nhập chục triệu mỗi tháng, còn nếu sản xuất quy mô lớn hơn thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều”- PGS. TS Nguyễn Minh Thủy cho biết.

Vai trò của KH-CN là rất quan trọng đối với sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là thời hội nhập kinh tế quốc tế, trước làn sóng cuộc đổi mới công nghệ 4.0.

Theo ông Nguyễn Trọng Danh, thời gian tới, sẽ củng cố và tăng cường tiềm lực KH-CN; nâng cao năng lực doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0; hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo;…

Đặc biệt là duy trì và phát triển, nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác phát triển KH- CN với các viện nghiên cứu, các trường ĐH, các tổ chức KH- CN trong và ngoài tỉnh… nhằm phát triển ngành KH- CN ngày càng bền vững, hiệu quả hơn.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời đã đánh giá cao vai trò và các kết quả của ngành KH-CN. Từ đó, ông cũng yêu cầu tạo thêm động lực để KH-CN phát triển hơn nữa. Nâng cao tầm quan trọng của KH-CN trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; quan tâm triển khai các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh trong cuộc đổi mới công nghệ 4.0; ứng dụng các tiến bộ KH-CN gắn với nhu cầu của từng ngành, từng sản phẩm;...

 

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY