Truyện ngắn

Câu chuyện phía sau một người đã nằm xuống

Cập nhật, 06:45, Thứ Hai, 30/05/2016 (GMT+7)

 

Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ảnh minh họa: Trần Thắng

Buổi tiệc nhỏ mừng ngày hội ngộ của hai người bạn thân sau ngày miền Nam vừa giải phóng sắp kết thúc, Đại đội phó Năm Tiền rót đầy ly rượu để trên bàn rồi nghiêm giọng hỏi Trung đội trưởng Ba Lãnh:

- Chết mầy còn không sợ, thử nói thiệt với tao mấy món đồ của bà Hà mầy có đụng đến không?

Chộp ly rượu Năm Tiền vừa rót đưa ngang mặt, Ba Lãnh nhìn thẳng vào mắt bạn:

- Tôi cũng muốn hỏi anh câu này lâu lắm rồi…

- Vậy thì đã rõ…

Năm Tiền bỏ lửng câu nói mắt nhìn xa xăm, không khí bàn tiệc bỗng chùng xuống…

* *

*

Ngày ấy vào đầu năm 1969, sau đòn chí tử của mấy đợt tổng tiến công từ Tết Mậu Thân 1968, bọn địch được quân Mỹ hà hơi điên cuồng phản kích, hết quân chủ lực đến bọn bảo an địa phương liên tục tổ chức các đợt càn quét vùng giải phóng quyết giành lại thế chủ động tại huyện này.

Hai chiến sĩ trẻ Năm Tiền và Ba Lãnh được lãnh đạo đội bảo vệ Huyện ủy giao cho nhiệm vụ mới là sang làm cận vệ cho nữ đồng chí Út Hà- Huyện ủy viên, Bí thư Huyện Đoàn, đang đảm đương một nhiệm vụ đặc biệt do Huyện ủy phân công tại vùng ven huyện lỵ.

Lần đầu gặp mặt Út Hà không ít người ngạc nhiên về trọng trách mà cô gái phải gánh vác. Đó là một cô gái vừa bước sang tuổi 23 tràn trề sinh lực, trông vẻ xinh đẹp bề ngoài thì cô giống một diễn viên văn công hơn là một cán bộ lãnh đạo chính trị cấp huyện.

Các bộ bà ba đen cô mặc hàng ngày càng làm nổi rõ làn da trắng và gương mặt trái xoan hay cười được điểm xuyết thêm bởi đôi bông tai nhỏ xíu bằng vàng tây rất xinh. Cô trở thành đối tượng thầm mơ ước của nhiều anh cán bộ trẻ trong huyện.

Nhưng có một câu chuyện tréo ngoe là không phải từ cái dáng dấp xinh đẹp nổi trội đó, mà đôi bông tai và chiếc đồng hồ nhỏ bình thường cô đeo trên tay lại bắt nguồn cho một câu chuyện u uất đeo đẳng hai người chiến sĩ bảo vệ ấy suốt một thời gian dài sau đó.

Họ nhớ như in lúc trao nhiệm vụ mới, anh Năm Tây là đội trưởng đội bảo vệ Huyện ủy đã cẩn thận dặn dò họ: “Đừng thấy Út Hà là con gái chưa chồng mà coi thường, bây mà để cổ có chuyện gì thì đừng hòng trở về đây…”.

Ý của anh Năm thì họ đã rõ, “có chuyện gì” ở đây rặc là chuyện nhiệm vụ chớ so với tuổi tác của họ với Út Hà thì hai người chỉ đáng là hạng em út nói chi đến các chuyện khác thì khoảng cách giữa họ với cô quả là xa lắc…

Út Hà tham gia công tác ở Huyện Đoàn rất sớm, hình như là sau đợt Đồng Khởi 1960 mấy tháng. Khi đó cô vừa bước sang tuổi 14 và đang học lớp đệ tứ (lớp 9 ngày nay) thì cha cô đang là cán bộ xã công tác hợp pháp bị lộ buộc phải thoát ly công tác dẫn cô theo.

Giống như cha hiện đang là một cán bộ của Tỉnh đội, chỉ sáu năm sau Út Hà nổi tiếng là một cán bộ trẻ gan lì, với các mối thân quen từ thời còn là học sinh trường huyện và giỏi công tác dân vận cô đã là một trong những cán bộ bám vùng kiềm quanh huyện lỵ rất cừ qua các chân rết cơ sở cách mạng do chính cô cài cắm tại đó.

Những nguồn tin cô nắm được và những chuyến xâm nhập nội ô huyện lỵ để diệt ác phá kiềm kẹp của đội du kích do cô chỉ đạo, nhất là trận diệt tên đại úy Sáu ác ôn tại nhà hắn ở trung tâm huyện lỵ, đã khiến cho bọn địch tại đây nhiều phen mất ăn mất ngủ…

Câu chuyện u uất của Năm Tiền và Ba Lãnh liên quan đến Út Hà bắt đầu từ thời điểm sắp hết năm 1969, sau ngày Út Hà hy sinh khoảng một tháng.

Hôm ấy, họ theo anh Năm Tây mang giấy báo tử và chiếc ba lô là di vật của cô về trao lại cho gia đình.

Khác với những gì mà họ tưởng tượng trước đó, khi nhận được các di vật của Út Hà từ tay họ, mẹ cô không khóc vật vã mà mắt bà khô khốc đăm đăm nhìn về khoảng không trước mặt nghẹn ngào ôm chặt các vật dụng quen thuộc của đứa con gái mà bà yêu thương nhất vào lòng, miệng chỉ bật ra được có hai tiếng “Con ơi!” Một lúc thật lâu sau, khi định thần lại và xem kỹ các kỷ vật bà mới hỏi nhỏ Năm Tiền một việc gì đó mà sau đó khiến anh đăm chiêu.

Trên đường về căn cứ, sau mấy lần đắn đo, cuối cùng anh Năm cũng đã nhỏ nhẹ hỏi họ là ngoài các vật dụng của Út Hà để lại, họ có thấy đôi bông tai và chiếc đồng hồ của cô ấy không?

Chuyện thật bất ngờ, những thứ đó quả là không xa lạ đối với họ do khi còn sống hàng ngày vẫn thấy Út Hà đeo trên người, họ cũng biết chúng tuy giá trị không cao nhưng cô rất quý vì đó là các kỷ vật được mẹ tặng ngày thoát ly gia đình đi kháng chiến…

Chuyện di vật của Út Hà còn thiếu hai món đồ là đôi bông tai và chiếc đồng hồ có lẽ chỉ có mẹ cô và ba chiến sĩ nhận nhiệm vụ giao kỷ vật cho gia đình ngày hôm đó biết, nhưng một nỗi u uất lại thổi bùng trong lòng Năm Tiền và Ba Lãnh từ đó càng lúc càng nặng nề.

Chuyện “còn thiếu” này theo họ cũng đồng nghĩa với một sự mất mát- tương tự như một sự tham ô- mà nếu không có lời nhắc của bà mẹ Út Hà cho đến lúc đó hai người cũng không biết, nhưng tại sao chúng biến mất thì cả hai còn nợ một lời giải thích.

Nhớ lúc Út Hà hy sinh, đó là một buổi trưa trời rất oi bức, mọi người vừa mới ăn cơm xong tại một điểm bám trụ ở căn cứ lõm vùng ven huyện lỵ thì bỗng nghe tiếng đạn nổ chát chúa vây quanh cùng với tiếng vang rền của một đàn máy bay trực thăng.

Khi mọi người xác định bị địch đánh “nhảy cóc”, thì trực thăng địch đã đổ xong toán lính biệt kích đầu tiên. Bọn chúng la í ới vang dội sát bờ đai chiến đấu và đang cùng với hai chiếc trực thăng vũ trang nối đuôi nhau bay xoáy vòng sàn sạt trên ngọn cây bắn như vãi đạn vào nơi họ ở.

Út Hà quỵ xuống bên công sự chiến đấu, cô bị trúng đạn của trực thăng có lẽ từ những loạt đạn đầu, chỉ một vết thương ở bả vai máu chảy không nhiều, nhưng không thấy vết đạn trổ.

Dày dạn trong chiến đấu, Năm Tiền biết thủ trưởng mình rất nguy kịch với loại vết thương như thế vội bảo Ba Lãnh cõng Út Hà rút đi, còn mình sẽ ở lại chiến đấu với các đồng đội và yểm trợ phía sau cho anh.

Bọn địch ban đầu có vẻ hung hăng nhưng sau đó chùng hẳn xuống khi đội du kích ở gần đó kịp thời nổ súng chi viện khiến hai chiếc trực thăng vũ trang phải bay vọt lên cao chẳng dám tung hoành như trước.

Riêng Ba Lãnh cõng Út Hà càng lúc càng cảm thấy nặng nên rất lo. Khi biết dù còn rất gần bộ binh địch nhưng đã tạm thời ra khỏi vùng nguy hiểm, anh nhẹ nhàng để cô nằm xuống đất định làm những động tác cấp cứu thì cũng vừa lúc đôi mắt của cô nhẹ nhàng khép lại.

Năm Tiền cũng kịp chạy đến, may mắn là anh không bị vết thương nào, trên tay và vai anh lủng củng vũ khí và vật dụng của cả ba người. Tại điểm địch đánh nhảy cóc, chúng đã cho trực thăng đổ thêm quân một đợt nữa. Có vẻ chúng định chuyển sang đánh chà xát địa bàn này nhiều ngày.

Trong hoàn cảnh như thế, Năm Tiền và Ba Lãnh biết họ không còn đủ thời gian để mà buồn thương cũng không thể có hàng rương cho đồng đội. Ngay tối hôm đó, họ quấn xác cô trong chiếc võng dù của cô cùng các tấm vải mủ đi mưa cá nhân của cả ba người và chôn cô ở miếng biền gần đó dưới ánh sáng hỏa châu lập lòe trên trời của bọn địch đang cụm quân…

Sau trận Út Hà hy sinh, Năm Tiền và Ba Lãnh trở về đơn vị cũ là đội bảo vệ Huyện ủy. Không thể yên tâm với nỗi u uất trong lòng ngày một lớn sau chuyến đi thăm gia đình của Út Hà về, Năm Tiền xin chuyển sang chiến đấu ở một đơn vị cơ động tỉnh. Sau đó, Ba Lãnh cũng xin chuyển về một đơn vị địa phương quân huyện.

Năm Tây phải rứt ruột chấp nhận cho hai chiến sĩ giỏi của mình rời đơn vị bởi anh biết đồng chí mình có thể chấp nhận cái chết nhưng chuyện tơ hào không rõ ràng như thế thì nhất định không thể…

* *

*

Ba Lãnh đánh trót một cái hết sạch ly rượu đang cầm trên tay nhăn mặt nhìn trân trân vào mặt Năm Tiền:

- Anh nói đã rõ là rõ cái gì?

Năm Tiền xua tay:

- Là tao với mầy không có đứa nào lấy mấy món đồ đó của bà Hà.

- Vậy thì sao, mà trong lúc gói xác cổ chỉ có tui với anh?

Nghe Ba Lãnh hỏi, Năm Tiền chỉ biết chép miệng rồi cười nhẹ hều. Tiệc tan, ai về đơn vị nấy, vui gặp bạn chiến đấu không sứt mẻ thêm phần thân thể nào nữa thì ít nhưng nỗi buồn cũ trong lòng mỗi người hình như nó còn đậm nét hơn…

Mấy tháng sau, Năm Tiền bỗng nhận được tin nhắn gấp của Ba Lãnh là làm thế nào cũng phải xin về phép để cùng gia đình Út Hà cải táng ngôi mộ cô theo chủ trương của chính quyền địa phương đưa các hài cốt liệt sĩ chôn rải rác về nghĩa trang xã.

Chiến đấu từng trải, cũng nhiều lần tự tay chôn cất và cải táng đồng đội mình, nhưng khi cầm chiếc leng nhẹ nhàng đào ngôi mộ Út Hà thì Năm Tiền và Ba Lãnh xem có vẻ lóng ngóng như còn sợ người nằm dưới đó đau…

Khi lớp vải mủ màu xanh sẫm gói chặt cái xác Út Hà bằng chính sợi dây dù giăng võng của cô lộ ra thì Năm Tiền bỗng buông cây leng xúc đất ngồi xổm xuống. Hai bàn tay không còn đủ ngón đặt nhẹ trên gói xác cô gái, còn Ba Lãnh thì bật khóc to như một đứa trẻ khiến bà mẹ của Út Hà phải cắn chặt môi đến bật máu…

Làn khói nhang bay là là, từng lớp vải mủ được nhẹ nhàng mở ra, Út Hà ngoan hiền nằm đó rất ngay ngắn, bộ bà ba đen bằng vải KT cô mặc ngày hy sinh còn y nguyên bao bọc hài cốt cô. Đôi bông tai và chiếc đồng hồ của cô vẫn nằm yên ở vị trí thường ngày của nó.

Thì ra, trong hoàn cảnh quá ác liệt và khẩn trương, hai người cận vệ và các đồng đội của cô không còn tâm trí để ý đến việc lưu lại các di vật của liệt sĩ cho gia đình… Và ngày hôm đó, theo tâm nguyện của mẹ Út Hà, đôi bông tai và chiếc đồng hồ vẫn theo cô một lần nữa về với đất mẹ.

Cắm nén nhang trước ngôi mộ mới của Út Hà tại nghĩa trang xã, gương mặt Năm Tiền vẫn trầm ngâm theo bản tính vốn có của anh, còn Ba Lãnh thì ngân ngấn nước mắt van vái: “Chị Út ơi, chị luôn là một thủ trưởng tuyệt vời !”

HỒNG ĐÀO