Ngọn lửa tình

Cập nhật, 11:06, Thứ Hai, 09/05/2016 (GMT+7)

Bình Hòa Phước (Long Hồ)- nơi tôi thường nghe nhiều người truyền đọc những câu lục bát, có người thuộc cả bài 46 câu: “Cuối năm Mậu Tý bước sang/ Mùng hai tháng Chạp, bảo an ra đời/ Vợ chồng Cai tổng hết thời/ Bảo an giết chết hết đời... lâm chung/ Chú Cai, sếp gạc chết hùn/ Đốt nhà lửa cháy lại chùn tay chân...”...

Ông Nguyễn Văn Giao (Ba Giao)- cán bộ “Tiền khởi nghĩa” hiện nghỉ hưu ở ấp Bình Lương (xã An Bình- Long Hồ), trực tiếp tham gia trận chụp bót Cai tổng Robert Nghiêm ở Bình Hòa Phước hồi năm 1948, nói về bài lục bát lưu hành trong dân ở cù lao này: “Miệt cù lao nhiều người thuộc bài lục bát này. Họ ngỡ, bọn lính bảo an diệt bót của Robert Nghiêm.          

... Tháng 10/1945, quân Pháp tái chiếm cù lao Minh. Chúng tập hợp những tên có nợ máu với nhân dân, nhằm tạo lực lượng đàn áp phong trào kháng chiến vùng này.

Robert Nghiêm người Việt quốc tịch Pháp, được Pháp phong chức Cai tổng, cai trị tổng Bình Hưng gồm các xã An Bình, Đồng Phú, Bình Hòa Phước và Phú Phụng, Vĩnh Bình thuộc quận Chợ Lách (tỉnh Vĩnh Long).

Việc độc chiếm tòa nhà rất kiên cố, một trệt một lầu của cha mẹ vợ là Nguyễn Văn Tể (Bá hộ Tể) xây bằng bê tông đá sỏi làm nơi đồn trú khỏi phải tốn công, vật liệu và thời gian xây dựng, đã thể hiện tính nhanh, nhạy, hăng hái, triệt để làm tay sai cho ngoại bang của Robert Nghiêm đến mức độ nào? Khu quân sự này nằm bên bờ sông Cái Muối, cách chợ Bình Hòa Phước (chợ Cái Muối) chừng 100m về hướng Tây.

Đây vừa là nơi đồn trú lực lượng võ trang chuyên ruồng bố, càn quét, đàn áp lực lượng cách mạng, vừa là trụ sở hành chính cấp tổng. Những năm đầu Pháp tái chiếm, cấp xã chưa có cơ quan hành chính.

Chúng xây hầm ngầm, công sự, tháp canh, hệ thống hào sâu khá kiên cố, hiểm hóc. Ngoài đội ngũ lo việc giấy tờ, đội cận vệ đềụ là bà con thân thiết hoặc nhóm con nuôi của vợ chồng Robert Nghiêm và được đãi ngộ chu đáo.

Nổi bật trong đám con nuôi có tên Hai Bích giỏi võ nghệ, khỏe mạnh, đẹp trai, chỉ huy đội cận vệ giữ kho vũ khí và được vợ chồng Robert Nghiêm tin cẩn nhất. Hai Bích còn là con nuôi thầy Bảy Khánh (thầy dạy võ), nhà gần chợ Đồng Phú.

Dân chúng đến xin giấy thông hành, bị chúng bắt làm tạp vụ, việc nhà như: xay lúa, giã gạo, vét mương, bồi liếp vườn, xắt chuối cho heo ăn... nhiều ngày mới được tha về. Từ năm 1946- 1947, do ta hoạt động mạnh, bọn Pháp tăng cường cho lực lượng Robert Nghiêm một trung đội bảo an người Khmer và thay đổi hàng tháng.

Vợ chồng Robert Nghiêm ở trên lầu, chung quanh có lá thép che chắn. Nhiều lần quân ta tấn công đến khu trung tâm, nhưng từ trên lầu, lựu đạn được tuôn xuống nổ như bom bừa nên quân ta phải rút lui. Ngày nay những lỗ bỏ lựu đạn do Robert Nghiêm khoét trên sàn lầu vẫn còn dấu vết.

Robert Nghiêm xua quân đi càn quét, thu lúa ruộng, bắt dân nộp tô, bị ta chận đánh song đều diệt hụt và mỗi lần thoát chết Robert Nghiêm ác thêm lên. Hắn như con cáo già, gây biết bao khó khăn cho phong trào kháng chiến ở địa phương. Có lần Robert Nghiêm bị quân ta bắn xuyên nách, chỉ rách da rướm máu, Sáu Thụ- vợ hắn nói với bọn lính:

- Ông của tụi bây tài ghê! Biết đạn đi qua nên giang tay ra để khỏi trúng!

Quân ta nhận định: “…Tiêu diệt bót Robert Nghiêm sẽ làm quần chúng phấn khởi, tạo khí thế cách mạng, phong trào kháng chiến phát triển, nâng cao bản lĩnh và nghệ thuật tác chiến của quân ta. Đồng thời phá được thế kềm kẹp của địch”. Thế là ta điều nghiên kỹ, đi đến kết luận: “... Kết hợp địch vận, mũi địch vận là chủ yếu.” Kế hoạch được xúc tiến...

Cô Bùi Thị Bê (thường gọi là cô Sáu)- một thiếu nữ 18 tuổi, xinh đẹp, nói năng lưu loát, nhà ở xóm cầu Ngang (ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước) được tuyển chọn, huấn luyện kỹ lưỡng trở thành vũ khí tác chiến bén nhọn, “tấn công” vào Hai Bích.

“Cánh cửa” chủ yếu lợi hại của khu quân sự Tổng Bình Hưng do Robert Nghiêm cầm đầu “đã sập”- Hai Bích yêu cô Sáu. Chất men tình làm Hai Bích nhận được mặt kẻ thù của giai cấp, của dân tộc. Và chính chất men ấy giúp anh có khả năng biến yếu thành mạnh, khó thành dễ. Anh kiên trì bám trụ trong lòng địch để hình thành cơn bão lửa...

Chẳng mấy chốc cơn bão lửa ập xuống. Và rồi đêm thứ sáu 31/12/1948, nhằm đêm mồng 2 tháng Chạp năm Mậu Tý, ta đột nhập khu quân sự Robert Nghiêm dễ dàng. Quân ta làm chủ hoàn toàn suốt 2 giờ, trừng trị bọn ác ôn, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh. Quân ta không một ai bị thương vong.

Ông Ba Giao dừng lời, đưa ly trà bốc hơi sang tôi: “Cháu uống nước đi!” Sau giây phút trầm ngâm, ông Ba hắng giọng:

- Chiến thắng trận diệt bót Robert Nghiêm là mẫu mực, tuyệt vời đầy hào khí, tài hoa của người Bình Hòa Phước vốn không chấp nhận nghịch cảnh- nhất là ở thời mở đầu cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Tương quan lực lượng, ta kém xa quân dịch: người của ta rất ít, chưa có kinh nghiệm tác chiến vũ khí thô sơ. Địch là đội quân nhà nghề, từng kinh qua trận mạc. Song, chúng ta biết linh hoạt vận dụng sức mạnh vốn có của dân tộc. Không bao giờ cạn kiệt, ấy là tình yêu.

Qua bài văn vần lục bát lưu truyền trong dân, nói về trận diệt đồn Robert Nghiêm chứng minh quân dân ta khôn ngoan, khéo léo đến nỗi dân tình cứ ngỡ: “Bảo an giết chết...”

Nguyễn Hồng Tâm