Quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm

Cập nhật, 05:33, Thứ Sáu, 01/11/2019 (GMT+7)

Bà P.A.H. (ngụ Tam Bình) rất mong các cơ quan chức năng xem xét, giúp đỡ việc con bà là cháu N., hiện đang học lớp 12 đã bị thầy giáo dạy võ nhiều lần giao cấu từ tháng 4/2018 đến tháng 2/2019, khi cháu chưa đủ 16 tuổi.

Ngày 18/10/2019, vụ án được đưa ra xét xử. Kết thúc phiên tòa, tòa án quyết định bị cáo 3 năm tù và hỗ trợ gia đình bà 5 triệu đồng.

Với quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, bà thật sự bức xúc và không đồng ý với quyết định trên, vì vậy bà rất mong các cơ quan chức năng xem xét, giúp đỡ làm rõ những điều không rõ ràng và không công bằng của quyết định trên để xử lý đúng người, đúng tội, mang lại danh dự, nhân phẩm cho con bà.

Sau khi nhận được đơn của bà, trong nội dung đơn bà đã không nêu tòa án nào đã xét xử vụ án trên và cũng không có bản án kèm theo, nhưng trong đó bà có nêu hội đồng xét xử của tòa án đã có quyết định tuyên phạt bị cáo 3 năm tù và hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng.

Như vậy, vụ án đã có quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, vì vậy theo quy định thì nếu không đồng ý với quyết định của tòa án thì bà có quyền kháng cáo bản án, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Do đó, gia đình có thể gửi đơn kháng cáo đến tòa án sơ thẩm hoặc gửi trực tiếp đến tòa án phúc thẩm để thực hiện quyền kháng cáo.

Về thời hạn kháng cáo, tại khoản 1 Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Về thủ tục kháng cáo, quy định tại Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc tòa cấp phúc thẩm.

Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp đến tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của bộ luật này.

Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.

Đơn kháng cáo có các nội dung chính:

Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của người kháng cáo; lý do và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.

Căn cứ các quy định trên, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, gia đình bà cần gửi đơn kháng cáo đến tòa án để được xét xử phúc thẩm.

PHÒNG BẠN ĐỌC