Cảnh báo nguy cơ đoạn chi do hút thuốc lá

Cập nhật, 16:45, Thứ Năm, 21/09/2023 (GMT+7)

 

Ông A. được các bác sĩ can thiệp nội mạch tái thông thành công, nên không phải cắt đoạn chi dưới.
Ông A. được các bác sĩ can thiệp nội mạch tái thông thành công, nên không phải cắt đoạn chi dưới.

Bệnh nhân (BN) hút thuốc lá (TL) quá nhiều, chất độc từ khói TL gây viêm và kích thích co thắt mạch máu, chủ yếu là các mạch máu nhỏ ở xa như đầu chi. Lúc đầu, BN chỉ đau nhức đầu chi, nhưng dần dần các đầu ngón bị tím tái và dẫn đến hoại tử loét không lành.

Hoại tử chân sau 10 năm hút thuốc lá mỗi ngày

Anh Đ.T. (31 tuổi, TP Hồ Chí Minh) bị viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới, hoại tử đầu ngón chân, suýt phải cắt cụt chân do hút 1 gói TL mỗi ngày suốt 10 năm. Anh T. cho biết, anh đến BVĐK Tâm Anh khám trong tình trạng bàn chân phải chỉ còn 3 ngón, lở loét, có mủ, hoại tử nặng. Anh được chẩn đoán mắc hội chứng viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới (bệnh Buerger) do hút TL.

Trước đó, anh T. thấy đầu ngón chân đen dần rồi tự lành, nên không thăm khám. Tình trạng đen ngón chân sau đó xuất hiện và tiến triển nặng hơn, người bệnh đi khám tại một bệnh viện trong thành phố, phải tháo khớp 2 ngón chân và cắt hạch thần kinh giao cảm thắt lưng để mạch máu nhỏ sẽ nở ra, giúp vết thương hồi phục. Tuy nhiên, vị trí tháo ngón sau nhiều tháng không lành.

Theo bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tim mạch- Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, hóa chất trong TL có thể gây kích ứng niêm mạc mạch máu, khiến chúng sưng lên, cản trở lưu lượng máu, hình thành cục máu đông gây tắc động mạch. Khi các mô không nhận đủ máu sẽ thiếu oxy và chất dinh dưỡng để sống, lúc đó hoại tử vùng da, mô ở đầu ngón tay, ngón chân xảy ra.

Quá trình điều trị để giữ lại chân cho BN kéo dài cả tháng. Sau 1 tháng xử trí, vết thương liền da, bác sĩ phẫu thuật bắc cầu động mạch chi dưới nhằm tái thông mạch máu nuôi chân. Nhờ đó, BN có cơ hội giữ lại chân của mình.

Bệnh Buerger dẫn đến tình trạng các mạch máu ở chân, tay bị viêm, phù nề, gây hẹp lòng mạch cản trở máu đến nuôi chi. Nếu người bệnh không điều trị và tiếp tục hút TL, tình trạng tắc nghẽn mạch máu sẽ tiến triển nghiêm trọng hơn, dẫn đến loét, hoại tử phải phẫu thuật cắt bỏ ngón tay, chân. Một số trường hợp phải cắt toàn bộ bàn chân, hoặc cắt đến cẳng chân.

Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, các biện pháp chỉ giúp cải thiện triệu chứng. Trường hợp bệnh nặng cần kết hợp uống thuốc giảm đau, thuốc thúc đẩy lưu thông máu, liệu pháp VAC, mổ bắc cầu mạch máu... Bỏ TL là cách tốt nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh.

Người hút thuốc lá, tiểu đường, đừng thờ ơ với tắc động mạch chi

Ông N.V.A. (82 tuổi, ở Bạc Liêu) có “thâm niên” hút TL trên 60 năm, tiền sử tăng huyết áp, thường xuyên tê nhức chân trái, nhất là khi đi lại. Theo lời kể của ông A., trước lúc nhập viện 10 ngày, ông có cảm giác như bị trật chân, nghĩ không đáng lo ngại nên ở nhà chườm nước nóng. Chỉ đến khi chân bắt đầu đau nhức nhiều hơn, cảm giác lạnh, không đi được nữa ông mới vào bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển lên BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ.

Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cho ông A. làm xét nghiệm máu phát hiện đường huyết cao, chụp CT động mạch 2 chân phát hiện bị tắc hoàn toàn động mạch đùi nông bên trái từ vùng bẹn đến vùng khoeo dài 30cm, làm cho BN có triệu chứng thiếu máu chi trầm trọng, đi cách hồi (đi một đoạn đường rất ngắn vài chục mét phải dừng nghỉ do chân thiếu máu gây tê mỏi, nghỉ vài phút thì đi tiếp được), mất mạch mu chân. BN được can thiệp nội mạch tái thông thành công và đều không phải đoạn chi như cách điều trị thông thường. Sau can thiệp nong và đặt stent BN ổn định, bớt đau nhức chân, mạch mu chân đã bắt được.

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ, cho biết thêm: “Tắc động mạch chi là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi có tiền căn hút TL nhiều và tiểu đường nhiều năm không kiểm soát tốt đường huyết, đa số BN thường phát hiện bệnh rất muộn”.

Triệu chứng thường gặp là nặng chân, lạnh chân, tê mỏi, đi cách hồi, nặng hơn nữa là tím các ngón chân, vết thương vùng bàn chân chậm lành, hoại tử khô, nếu không điều trị kịp thời BN sẽ nhiễm trùng, nhiễm độc rất nguy hiểm.

“Việc điều trị bệnh động mạch chi sẽ tùy thuộc rất nhiều vào vị trí và mức độ động mạch bị tắc hẹp và tình trạng chức năng của chi bệnh. Ngoài các phương pháp kiểm soát bệnh kèm theo huyết áp tiểu đường, bỏ TL… động mạch chi có đường kính từ 2mm trở lên với mức độ hẹp nặng trên 70% có triệu chứng với các phương tiện máy móc hiện đại (DSA) bác sĩ can thiệp mạch có thể thông lại động mạch chi khá dễ dàng”- TS.BS Chí Cường cho biết.

Theo các bác sĩ, tình trạng tắc nghẽn động mạch chi, nhất là ở chân, thường gặp ở những người lớn tuổi, hút TL, có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp... Bệnh nếu không được phát hiện kịp thời khiến người bệnh có nguy cơ cắt cụt chi gây tàn phế, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Đây là bệnh lý nguy hiểm, có ảnh hưởng toàn thân, ý nghĩa nguy hiểm không kém bệnh lý động mạch vành, động mạch não (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não). Do đó, những người có nguy cơ mắc bệnh nên tầm soát kiểm tra các bệnh lý xơ vữa mạch thường xuyên bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Bài, ảnh: MAI ANH