Đừng để khói thuốc lá gây hại cho trẻ em

Cập nhật, 05:29, Thứ Năm, 07/09/2023 (GMT+7)
Việc hít khói thuốc lá phụ độc hại gấp đôi khói thuốc do người hút thải ra vì nó không đi qua đầu lọc khói.
Việc hít khói thuốc lá phụ độc hại gấp đôi khói thuốc do người hút thải ra vì nó không đi qua đầu lọc khói.

(VLO) Việc hút thuốc lá (TL) không chỉ sức khỏe của người hút trực tiếp mà còn gây hại cho người không hút TL, trong đó có cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người hít phải khói TL thụ động.

Trên thực tế, trong gia đình, nếu người chồng, người cha hút TL thì gần như vợ con họ phải chung sống với khói TL. Một số người có ý thức bảo vệ vợ con thì chủ động hút TL bên ngoài, hạn chế hút trong nhà, nhưng nhìn chung ít nhiều vẫn đem khói TL vào trong nhà và vô tình buộc người thân của mình hít phải.

Chăm sóc con gái đang điều trị bệnh tại Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Ng. (ở huyện Mang Thít) xuýt xoa: “Con tui cứ bệnh rề rà suốt, hễ thay đổi thời tiết hay mắc mưa là bệnh. Thời gian này, con lại ho nhiều hay sốt về chiều, ăn uống kém nên đi khám bệnh.

Qua các xét nghiệm, con bị nhiễm lao phổi, phải điều trị theo phác đồ. Bác sĩ hỏi trong gia đình có ai hút TL không thì có ông nội và ba bé hút nên bé bị viêm đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần”.

Nhiều trẻ em như con chị Ng. do bị hút TL thụ động từ những người thân trong gia đình dẫn đến bị viêm đường hô hấp phải dùng kháng sinh điều trị.

Tình trạng phơi nhiễm khói TL ngày càng ảnh hưởng trầm trọng tới trẻ em, nhất là trẻ sống chung với người hút TL sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Nguy hại hơn, bệnh có thể tái diễn làm giảm sức đề kháng của trẻ.

Song, dùng thuốc dễ làm trẻ biếng ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng. Lúc đó, sức đề kháng giảm nên trẻ dễ mắc bệnh. Vòng luẩn quẩn này đồng nghĩa với việc nhiều trẻ bị ảnh hưởng cả về sức khỏe và trí tuệ.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long, bị hút TL thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em, bởi phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và sức đề kháng chưa cao.

Trẻ bị viêm đường hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
Trẻ bị viêm đường hô hấp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Trẻ em rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói TL. Trẻ em tiếp xúc với khói TL thường có nguy cơ mắc các bệnh như: suy dinh dưỡng, nhẹ cân, mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS), bệnh viêm tai giữa, chức năng phổi bị suy giảm, bệnh đường hô hấp, các triệu chứng thở khò khè, khó thở và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Đặc biệt, trẻ em nào ở trong gia đình có người hút TL thì mức độ ảnh hưởng càng nặng.

“Thực tế tại Khoa Nhi, số trẻ nhập viện vì các bệnh hô hấp trong thời điểm này tăng cao, do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu trẻ có ông, ba hoặc người nhà hút TL cao hơn rất nhiều so với những trẻ mà người nhà không hút TL.

Do đó, ngoài việc điều trị cho trẻ, thì bác sĩ khuyên ba mẹ của trẻ nếu đang hút TL thì hãy bỏ TL vì sức khỏe của các con. Vì nếu sau khi trẻ điều trị khỏi bệnh về nhà vẫn hít phải khói TL thì bệnh sẽ tái diễn, thậm chí nặng hơn”- BS Chí Công nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói TL thụ động. Tại Việt Nam, có tới 60-80% trẻ em dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm khói TL. Khói TL không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, gián tiếp cho người hít phải, mà còn có thể bám lâu vào đồ vật trong nhà và trẻ nhỏ nhiễm độc do tiếp xúc với các đồ vật này.

Nhiều người lớn vẫn nghĩ đơn giản, hút TL ở ngoài, không hút ở nhà nên sẽ không ảnh hưởng đến con cháu. Nhưng thực tế, một người hút có tới 4 luồng khói thải ra. Theo nghiên cứu, 1 trẻ ở trong phòng có 2 người hút TL trong 1 tiếng sẽ hấp thụ lượng khói tương đương hút 5 điếu/ngày.

Nhiều người có con nhỏ mà vẫn vô tư hút TL thì vẫn còn rất nhiều trẻ bị ảnh hưởng từ khói TL thụ động càng tăng. Và người thân hút TL đã vô tình gây hại sức khỏe đến chính con cháu của mình!

Các chuyên gia ước tính rằng, mỗi năm, Việt Nam có 150.000-300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản, hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói TL. Những trẻ dưới 1 tuổi có ba hoặc mẹ hút TL bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi trẻ có ba, mẹ không hút TL.

Bài, ảnh: MAI ANH