Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 vẫn luôn thường trực

Cập nhật, 12:57, Thứ Năm, 18/03/2021 (GMT+7)

 

Tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo “5K”- biện pháp vừa đơn giản, kinh tế vừa hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
Tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo “5K”- biện pháp vừa đơn giản, kinh tế vừa hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và 63 tỉnh- thành vào sáng 17/3: Chủng vi rút mới nguy hiểm hơn đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, đơn vị nào, công dân nào. Nếu lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát. Cuộc họp trên đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch thời gian qua, bàn các giải pháp lớn để phòng chống dịch hiệu quả thời gian tới.

Việt Nam ưu tiên hàng đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong 3 đợt dịch liên tiếp, chúng ta đã tập trung chỉ đạo, đưa ra phương thức, cách làm quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, với tinh thần thực hiện “mục tiêu kép”, “thần tốc, thần tốc hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”. Các chỉ đạo này được các cấp, các ngành, các địa phương, người dân hưởng ứng.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả các đợt dịch lây lan trong cộng đồng trong suốt 1 năm, chính xác là 14 tháng qua. Bài toán khó đặt ra với Chính phủ là thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe nhân dân rồi mới đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội. Do đó, cùng kết quả chống dịch hiệu quả hơn một năm qua và những kết quả tích cực về kinh tế- xã hội đã cho thấy Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt “mục tiêu kép”, được nhân dân tin tưởng và quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã có kinh nghiệm tốt trong phòng chống COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài trong 1- 2 năm tiếp theo. Năm 2021, tiêm chủng vắc xin đang được triển khai rất khẩn trương nhưng cuộc chiến chống đại dịch chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của vi rút xuất hiện...

Hiện Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn; ngoài ra còn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép. Do đó, Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn vừa qua, là “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch”; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đã nêu ra nhiều bài học quan trọng về phòng chống COVID-19, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hết sức nhanh nhạy, kịp thời, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là vai trò của lực lượng y tế, quân đội, công an; vai trò của nhân dân trong giám sát cũng như tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Nghiên cứu “hộ chiếu vắc xin”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới quý IV/2021 Việt Nam mới có. “Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo “5K”, vì đây là những biện pháp phòng chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”- Bộ trưởng nói.

Về vấn đề vắc xin COVID-19, Bộ trưởng thông tin, Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các công ty khác để đa dạng hóa nguồn cung. Bộ Y tế đang làm việc với Pfizer, dự kiến nhà sản xuất có thể cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 và khi đó sẽ chủ động được vắc xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đối với dịch COVID-19, chúng ta đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch, sớm kích hoạt hệ thống phòng bệnh quốc gia kịp thời, đưa ra giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực hiện thành công mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo hoạt động kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, người dân bị thiệt hại tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19. Một bộ phận người dân, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là dịch vụ vận tải, du lịch đang rất khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động xây dựng phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ”. Đối với Bộ Y tế, khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vắc xin khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vắc xin, tiếp tục nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin”.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận, có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN