Da đầu bị gàu do nhiều nguyên nhân

Cập nhật, 21:49, Thứ Sáu, 26/03/2021 (GMT+7)

Da đầu tôi có nhiều gàu, điều trị hết một thời gian thì bị lại. Tôi phải làm sao để gàu không tái phát?

Trần Thị Hồng

(Trung Hiệp- Vũng Liêm)

Trả lời:

Để giải quyết dứt điểm tình trạng da đầu bị ngứa và tróc vảy, các bác sĩ da liễu cần thực hiện việc kiểm tra hình ảnh học để đưa ra chẩn đoán chính xác. Trong hầu hết các trường hợp, da đầu bị ngứa có thể do một loại nấm men (vi nấm) được tìm thấy tự nhiên trên da đầu, tăng trưởng mạnh nhờ vào các tế bào da chết.

Nguyên nhân gây ra da đầu bị ngứa và tróc vảy có thể do bệnh vảy nến, biểu hiện bằng sự hiện diện của các mảng da dày, có vảy to và dễ tróc; viêm da tiếp xúc dị ứng, thường biểu hiện bằng các mảng da đỏ, phân giới rõ ràng, có thể có hoặc không có vảy da; viêm da tiết bã, tình trạng các vảy mỏng mịn, rải rác và có màu trắng đục hơi ngã màu vàng bã, có hoặc không có kích ứng da đỏ; bệnh nấm da đầu là một vùng da đầu cụ thể bị ảnh hưởng, bị kích ứng và đỏ, giới hạn rõ, từng mảng lớn khu trú hình bầu dục với bề mặt có vảy da màu trắng vàng; lupus dạng đĩa, có nhiều mảng xơ phẳng hoặc teo lõm ở trung tâm, có các nang lông bị bịt kín bởi các nút sừng; da gà và mụn nhọt có kích ứng da đầu kèm theo các mảng hoặc sẩn viêm nổi cao tại các nang lông; dày sừng tiết bã nhờn, dát đen hoặc dát rám nắng mọc như sáp; ngứa da đầu theo mùa, nguyên nhân không rõ ràng có thể do da đầu khô, độ ẩm giảm, sản phẩm chăm sóc tóc, thuốc uống, rối loạn chuyển hóa hoặc vệ sinh kém.

Ngoài ra, đội nón bảo hiểm lao động, kẹp tóc, nón bảo hiểm thể thao… tiếp xúc gây bít tắt kéo dài cũng có thể được gây ra gàu. Do đó, bạn nên đến khoa da liễu bệnh viện tỉnh, huyện hoặc trung tâm kiểm soát bệnh tật để được kiểm tra, làm xét nghiệm, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)