Việt Nam có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao

Cập nhật, 11:00, Thứ Sáu, 29/07/2016 (GMT+7)

Ngày 28/7, nhân ngày “Ngày Viêm gan thế giới” năm 2016 với chủ đề “Hãy nhận biết và hành động ngay”, Bộ Y tế đã có cuộc gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về tình hình diễn biến của bệnh viêm gan ở Việt Nam.

Theo đó, Bộ Y tế chỉ rõ, nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân nước ta hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng và gây tử vong cao.

Thông điệp phòng chống viêm gan
Thông điệp phòng chống viêm gan

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.

Kết quả nghiên cứu tại nước ta cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư là từ 6 - 20% đối với virus viêm gan B và khoảng 0,2 - 4% với virus viêm gan C. Đáng chú ý, Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện.

Qua các nghiên cứu và điều tra cũng cho thấy, trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18 - 60 tuổi, tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%. Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20%.

"Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em..."- PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo.

Bên cạnh đó, kết quả của các nghiên cứu cho thấy, 90% số trẻ nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mãn tính. Trong khi đó, viêm gan mãn tính lại là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là nguyên nhân chính gây tử vong.

Được biết, trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan ngày càng trở nên nặng nề, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định lấy ngày 28-7 hàng năm là “Ngày Viêm gan thế giới” và lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011 nhằm kêu gọi các quốc gia và các đối tác phát triển xây dựng các chiến lược hiệu quả với mục tiêu đối phó với các thách thức của bệnh viêm gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Theo WHO, có 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự.

Viêm gan virus A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong 5 loại virus viêm gan thì viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Toàn cầu có hơn 240 triệu người đang nhiễm virus viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm virusviêm gan C mãn tính. Hàng năm trên thế giới có khoảng 1,4 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan virus (chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong).

Virus viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm virus viêm gan B và C.

Theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B và C bao gồm tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại.

Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.

Theo NGUYỄN QUỐC (SGGPO)