BHYT và các vấn đề đặt ra trong điều trị HIV/AIDS

Cập nhật, 16:46, Thứ Sáu, 22/07/2016 (GMT+7)

 

Bảng lộ trình điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS có BHYT và được chi trả bởi BHYT.
Bảng lộ trình điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS có BHYT và được chi trả bởi BHYT.

BHYT trong điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; kinh phí từ các nguồn viện trợ để phòng chống HIV/AIDS; kiện toàn và lập thêm các phòng khám ngoại trú để tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV;... là các vấn đề đặt ra ở 2 hội nghị liên tiếp trong tháng 7 này tại Vĩnh Long về công tác phòng chống HIV/AIDS.

Điều trị BHYT cho người nhiễm HIV còn ít

Từ tháng 8/2005, chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS bắt đầu triển khai tại tỉnh. Đến nay, tỉnh có 3 phòng khám ngoại trú, điều trị HIV/AIDS, gồm 2 phòng khám (người lớn, trẻ em) đặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, 1 phòng khám đặt tại BVĐK TX Bình Minh.

Hiện có 1.012 bệnh nhân được quản lý điều trị bằng ARV. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tại Vĩnh Long tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có BHYT còn thấp, khoảng 40%.

Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Sở Y tế Vĩnh Long cho rằng, với số người nhiễm mới HIV có xu hướng gia tăng, trong khi các nguồn viện trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm dần và tiến tới chấm dứt hoàn toàn trong 1- 2 năm tới.

Việc cấp phát thuốc điều trị ARV kháng vi rút HIV không còn miễn phí như trước, nên bệnh nhân sẽ phải chi trả phần lớn viện phí.

Trong khi đó, đa số người nhiễm HIV hoàn cảnh nghèo, khó chi trả đầy đủ các dịch vụ y tế, sẽ ảnh hưởng quá trình tư vấn, chăm sóc, điều trị. Bác sĩ Lê Văn Việt- Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng đây là “thách thức, khó khăn lớn nhất cho công tác điều trị HIV/AIDS tại Vĩnh Long thời gian tới”.

Lãnh đạo Sở Y tế tới đây sẽ làm việc với BHXH tỉnh để thống nhất chi trả BHYT cho người nhiễm HIV điều trị ARV trong tỉnh và hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Theo kế hoạch, mục tiêu mở rộng chi trả khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS thực hiện từ tháng 1/2017. Bên cạnh đó tiếp tục mở rộng bao phủ BHYT trên địa bàn.

Theo Sở Y tế, trong bối cảnh hiện các nguồn viện trợ điều trị HIV/AIDS đã và đang bị cắt giảm, nhân lực tại các cơ sở chăm sóc điều trị chủ yếu kiêm nhiệm, nên phần nào ảnh hưởng đến chương trình phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh.

Thêm đó, sự kỳ thị xã hội và tự kỳ thị của người nhiễm HIV vẫn còn, khiến việc tiếp cận dịch vụ tư vấn, chăm sóc điều trị gặp không ít trở ngại.

Cần xã hội hóa kinh phí

Theo dược sĩ Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, ngành y tế sẽ chỉ đạo kiện toàn các phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS hiện có trên địa bàn tỉnh từ quý II/2016.

Song song đó, cần đặt lộ trình xem xét mở mới các phòng khám ngoại trú đủ điều kiện đối với những huyện có từ 50 người nhiễm HIV còn sống trở lên; mua thuốc ARV theo đúng quy định từ quỹ BHYT.

Th.s Chu Quốc Ân- Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VAAC- US.CDC cấp Trung ương về phòng chống HIV/AIDS- tại hội nghị lập kế hoạch chuyển giao tiểu dự án cho Vĩnh Long mới đây nói địa phương thời gian qua đã làm tốt dự án này.

Theo Th.s Chu Quốc Ân, có thể coi phòng chống HIV/AIDS như phòng chống bệnh dịch. Nhưng có đặc thù là “không thể cắt đứt nguồn lây, đường lây truyền và dập dịch đối với HIV/AIDS như đối với phòng chống dịch bệnh thông thường”. Do đó, phòng chống HIV/AIDS là phải có nhân lực, kinh phí để “đi tìm” nhân tố mắc bệnh để can thiệp.

Còn theo Sở Y tế Vĩnh Long, cuối năm nay dự án kết thúc sau 12 năm triển khai tại tỉnh, sau đó là một khoản thiếu hụt về kinh phí đặt ra trong duy trì công tác phòng chống HIV/AIDS.

Đánh giá nguồn lực, cơ hội hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh của dự án thời gian qua là lớn, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- yêu cầu ngành y tế, dự án phòng chống HIV/AIDS tỉnh xây dựng nguồn kinh phí bù đắp khi không còn tài trợ, trong đó chú ý xã hội hóa cho công tác lâu dài và sự chung tay của cả cộng đồng này.

 

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay số đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS vẫn chưa được thanh toán điều trị ARV. Trong khi chỉ 40% đối tượng này có BHYT.

 

Lộ trình mở rộng bao phủ của BHYT cho điều trị HIV/AIDS năm 2017 được xây dựng: trong 50% người có BHYT thì 30% được chi trả khi điều trị ARV; năm 2018, 50/60% số người có BHYT được thanh toán khi điều trị ARV.

 

Tại Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm nay ghi nhận 63 trường hợp nhiễm HIV (27 người chuyển sang AIDS), nâng tổng số nhiễm HIV lên 2.692 người (1.481 người chuyển sang AIDS). Đến nay, cả tỉnh có 772 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 1.920 người.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI