Bác sĩ tuyến huyện làm kỹ thuật y tế cao

Cập nhật, 05:41, Thứ Sáu, 26/02/2016 (GMT+7)

Nhiều năm qua, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Tam Bình đã tự trau dồi học hỏi, thực hiện hiệu quả nhiều kỹ thuật y tế cao thuộc bệnh viện tuyến trên. Lãnh đạo bệnh viện cho biết, hiện đơn vị đã triển khai được các kỹ thuật y tế khá chuyên sâu như: sốc điện, thở máy, truyền dịch qua tủy xương. Từ đó, góp phần lớn vào cấp cứu ban đầu thành công cho bệnh nhân nặng trước khi chuyển tuyến.

.Bác sĩ Phan Văn Phen thăm khám cho bệnh nhân tại khu vực cấp cứu.
.Bác sĩ Phan Văn Phen thăm khám cho bệnh nhân tại khu vực cấp cứu.

Cấp cứu thành công bệnh nhân ngưng tim

Ngày 8/2 vừa rồi (đêm mùng 1 Tết Bính Thân 2016), BVĐK Tam Bình tiếp nhận 2 trường hợp cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Đây được coi là các trường hợp chết lâm sàng khi vào viện. Đó là bệnh nhân Trần Thị Xuân L. (50 tuổi, thị trấn Tam Bình), nhập viện lúc 0 giờ 5 phút ngày 8/2; bệnh nhân Bùi Văn T. (54 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh Trung) nhập viện lúc 2 giờ 50 phút, thời điểm vừa qua giao thừa không lâu. Họ được người nhà đưa vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, hôn mê, tím tái toàn thân. Kíp trực buổi đó có bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Phen- quyền Trưởng Khoa Cấp cứu và 3 điều dưỡng.

E kíp trực của bác sĩ Phen xử trí, tiến hành cấp cứu hồi sinh tim, phổi theo quy trình đối với bệnh nhân L. Sau 20 phút, bệnh nhân L. tự thở được, mạch và huyết áp về bình thường. Chẩn đoán ban đầu nhồi máu cơ tim ở vùng vách. Bệnh nhân sau đó chuyển lên BVĐK tỉnh Vĩnh Long. Đến nay, bệnh nhân L. hồi phục bình thường và đã xuất viện.

Tương tự cũng cho sốc điện, hồi sinh tim phổi theo phác đồ, sau 60 phút hồi sức cấp cứu, bệnh nhân T. đã tự thở được, điện tâm đồ nhịp xoang đều 120 lần/phút. Ông T. được chuyển viện an toàn lên BVĐK tỉnh. Nay ông T. đã vượt qua nguy kịch tuy vẫn còn tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Phan Văn Phen vui vì đã cùng kíp trực xử trí thành công ban đầu 2 trường hợp “sống chết tới nơi” như vậy. Ban Giám đốc BVĐK Tam Bình đánh giá cao ê kíp trực trên và đề xuất khen thưởng. Vì thường với tình trạng bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở khi vào bệnh viện, sẽ có khả năng xấu nếu cấp cứu ban đầu không kịp thời: tử vong tại viện, tử vong trên đường chuyển viện và nếu chuyển lên tuyến trên thì nguy cơ cao bị ảnh hưởng não.

“2 ca cấp cứu này là hy hữu mà bệnh viện tuyến huyện chúng tôi đây đã cấp cứu, xử trí thành công. Kỹ thuật liên quan mật thiết quá trình điều trị trên là sốc điện. Đó cũng là 1 trong 3 kỹ thuật y tế cao mà một bệnh viện hạng III có thể tự thân tổ chức thực hiện đến thời điểm này, gồm: sốc điện, thở máy, truyền dịch qua tủy xương”- bác sĩ Huỳnh Châu Tuấn- Phó Giám đốc BVĐK Tam Bình chia sẻ với phóng viên.

Hôm 25/2, chính quyền và ngành y tế Tam Bình họp mặt 27/2, bác sĩ Phan Văn Phen được bệnh viện đề xuất khen thưởng điển hình cho ca trực cứu sống các bệnh nhân hy hữu trong đêm giao thừa.

Bác sĩ Phan Văn Phen công tác 17 năm, nay chỉ nói ngắn gọn: “Tâm nguyện tôi là luôn phục vụ bệnh nhân. Cấp cứu là tuyến đầu ở mỗi bệnh viện, nhiều áp lực. Vượt qua bộ phận này coi như thực hiện thành công bước đầu. Lúc nào chúng tôi cũng mong bệnh nhân vượt qua khâu cấp cứu ban đầu để tiếp tục điều trị ổn định”.

Đội ngũ bác sĩ trình độ, chất lượng

.Điều dưỡng, nhân viên y tế tại đây đều trên tinh thần sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân ngay từ khi bước vào khu cấp cứu.
.Điều dưỡng, nhân viên y tế tại đây đều trên tinh thần sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân ngay từ khi bước vào khu cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mười Hai- Giám đốc BVĐK Tam Bình thông tin trong năm 2015, đơn vị thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu trên giao; kiểm tra bệnh viện đạt 3,57 điểm, đứng thứ nhì sau BVĐK tỉnh Vĩnh Long. BVĐK Tam Bình hiện có quy mô 200 giường bệnh, nhưng thực kê lên hơn 300 giường bệnh, do nhu cầu khám và điều trị nội trú của người dân cao.

Đội ngũ nhân lực đã và đang được đào tạo của đơn vị rất đáng khích lệ mà tầm bệnh viện hạng III nhiều người sẽ khó tin. Bệnh viện hiện có 38 bác sĩ trong hơn 210 cán bộ, nhân viên; trong đó có 4 bác sĩ chuyên khoa II, 2 thạc sĩ, 18 bác sĩ chuyên khoa I, 6 dược sĩ chuyên khoa I và đại học. Năm 2015, đội ngũ này đã triển khai thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Qua đó ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh như đã nêu đầu bài. “Đây là thành quả không nhỏ của tập thể bệnh viện. Từ đó áp dụng thực tế điều trị đã cứu sống nhiều bệnh nhân bên lằn ranh sinh tử (như 2 trường hợp chết lâm sàng cấp cứu ban đầu ổn và chuyển viện trong đêm mùng 1 tết rồi). Cũng qua đó giúp giảm tử vong tại bệnh viện, giảm chi phí cho bệnh nhân, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên...”- bác sĩ Huỳnh Châu Tuấn nói.

Đáng nói quá trình đó là tự anh em tập thể bệnh viện mày mò, học hỏi, tham dự tập huấn ở tuyến trên về và tiếp tục tư duy, đề xuất thực hiện ở cơ sở mình, để tối ưu quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Nay thì cơ sở này có thể điều trị, cấp cứu ban đầu trước khi chuyển tuyến trên để điều trị phức tạp các bệnh nặng như: suy tim, rối loạn nhịp tim, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản. “Đến nay bệnh viện đã được thẩm định cho phép thực hiện trên 60 dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc bệnh viện hạng II (tuyến tỉnh)”- lãnh đạo BVĐK huyện Tam Bình cho biết.

Từ chỗ thiếu thốn, khó khăn cơ sở vật chất, nhân lực, đến nay BVĐK Tam Bình vươn lên bước phát triển mới. Lãnh đạo bệnh viện xác định các yếu tố then chốt định hình sự phát triển đơn vị, đó là: đào tạo con người, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ ứng dụng các kỹ thuật y tế cao, xem bệnh nhân là khách hàng, xây dựng đời sống cán bộ nhân viên và tạo sự đoàn kết gắn bó nội bộ để hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đó gắn với tinh thần cam kết “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng người bệnh”.

Từ 2 năm nay, BVĐK Tam Bình triển khai có nhân viên tiếp đón tại khu vực cấp cứu và tại các khoa có bàn hướng dẫn người bệnh. Theo bác sĩ Huỳnh Châu Tuấn, công đầu tiên của hoạt động này là do bác sĩ Nguyễn Mười Hai. Xuất phát từ cảnh một cụ già đi xe ôm đến khám bệnh, chật vật xuống xe không có người dìu. Từ đó, bệnh viện đề xuất triển khai việc mỗi khoa có đội ngũ tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân tận tình, chu đáo khi đến bệnh viện. Bác sĩ Huỳnh Châu Tuấn nói ban đầu cũng bỡ ngỡ, cả bệnh nhân và chính nhân viên y tế. Nhưng dần dần đó lại là việc bình thường và ý nghĩa. Đó cũng là cách đem lại sự hài lòng cho người bệnh, thân nhân từ ngày bước vào bệnh viện.

Bài, ảnh: MINH THÁI