"Ấp thông minh" hình thành nông dân số

Cập nhật, 15:53, Thứ Tư, 10/04/2024 (GMT+7)

 

Ứng dụng công nghệ số, điều khiển hệ thống tưới tự động… giúp nông dân tiết kiệm công sức, chi phí sản xuất rau màu, gia tăng lợi nhuận, thu nhập.
Ứng dụng công nghệ số, điều khiển hệ thống tưới tự động… giúp nông dân tiết kiệm công sức, chi phí sản xuất rau màu, gia tăng lợi nhuận, thu nhập.

Chuyển đổi số (CĐS) đang được mọi cấp, mọi ngành, địa phương trong cả nước triển khai thực hiện. Nông thôn Vĩnh Long cũng không nằm ngoài xu hướng đó, mô hình “ấp thông minh” trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh bước đầu và dần hướng những người nông dân thành “nông dân số”.

Theo các chuyên gia của Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thôn/ấp thông minh là cộng đồng thôn, ấp ở các vùng nông thôn sử dụng các nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững.

Hay nói cách khác, là cộng đồng thông minh, ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ số thông qua máy tính, điện thoại thông minh, thiết bị quan sát… được kết nối internet để xây dựng, điều hành các hoạt động nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, quan trắc môi trường, theo dõi giám sát sức khỏe cộng đồng, an ninh trật tự, chiếu sáng…, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, hướng đến xây dựng ấp, thôn, xã văn minh, hiện đại. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường ở nông thôn.

Ở Vĩnh Long, ngày 8/7/2022, UBND tỉnh ra Quyết định số 1345/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó có đề ra tiêu chí xây dựng mô hình ấp thông minh, chính thức khởi động xây dựng “ấp thông minh” trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn này.

Theo quyết định, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là xã phải có ít nhất một mô hình ấp thông minh. Ấp thông minh đáp ứng 3 tiêu chí: Có mô hình kinh tế được thực hiện tự động hóa ít nhất 80% các công đoạn hoặc mô hình sản xuất nông nghiệp có hệ thống tưới tự động theo hướng tuần hoàn.

Người dân được tiếp cận các ứng dụng phục vụ CĐS của chính quyền: Cổng thông tin tiếp nhận, trả lời ý kiến người dân (https://congdan.vinhlong.gov.vn), ứng dụng Smart Vĩnh Long; kênh Zalo (chính quyền số Vĩnh Long,…); kênh Facebook (CĐS tỉnh Vĩnh Long); trang thông tin điện tử xã; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh,… để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong ấp. Và người dân sử dụng phương thức thanh toán điện tử ở các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, học phí, internet, y tế… đạt từ 50% trở lên.

Xã Thuận An (TX Bình Minh) là xã đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Đến tháng 2/2024, toàn xã có 5/10 ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu, trong đó ấp Thuận Thành và Thuận Tiến B là ấp thông minh điển hình trong số ấp kiểu mẫu, ấp thông minh của xã.

Theo báo cáo của UBND xã Thuận An, hiện tại, việc lướt Web cập nhật tin tức, chuyển khoản mua BHYT, thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt, nhận thông tin về thời tiết, dự báo giá cả nông sản qua nhóm Zalo… là chuyện thường ngày và thành thạo của đa số người dân ở những ấp thông minh này.

Có 100% hộ trồng cải xà lách xoong trong ấp lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, trong đó có nhiều hộ sử dụng điện thoại thông minh điều khiển hệ thống tưới phun tự động. Người dân trong ấp đa số tiếp cận được các ứng dụng phục vụ CĐS của chính quyền.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT), xây dựng ấp thông minh sẽ từng bước đào tạo nông dân ở nông thôn thành nông dân số có năng lực tiếp cận, khai thác và sử dụng những thành tựu, tiến bộ của khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, từ đó gia tăng thu nhập, nâng cao mức sống; đồng thời là mô hình khởi đầu để hướng đến xây dựng xã, huyện thông minh trong thời gian tới.

Với tính ưu việt và định hướng đó, trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long đến 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tương đương 8/74 xã (tức là có ít nhất 8 ấp thông minh). Tuy nhiên, đến tháng 3, toàn tỉnh đã có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: xã Tân An Thạnh (Bình Tân), xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), xã Mỹ Lộc (Tam Bình) và xã Thuận An, Đông Thạnh (TX Bình Minh).    

Tuy bước đầu mang lại kết quả khả quan, nhưng việc xây dựng ấp thông minh trong thực tế còn tồn tại một số bất cập, trong đó lớn nhất là trình độ của người dân còn hạn chế, hầu hết người lao động, người nông dân chưa được đào tạo bài bản về CĐS, nên năng lực tiếp cận về sử dụng công nghệ số của người dân (nhất là nông dân) chưa chuyên sâu, chỉ khai thác, sử dụng những ứng dụng cơ bản của CĐS và chưa bao phủ hết đa số người dân trong ấp…

Mặt khác, CĐS chưa hoàn toàn gắn liền với sản xuất và cuộc sống của người dân. Nhiều người còn lúng túng với khái niệm về CĐS và thực hành, ứng dụng nó. Bên cạnh, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu số phục vụ cho việc tra cứu ứng dụng vào các hoạt động kinh tế- xã hội ở nông thôn còn yếu, chưa đồng bộ, kết nối chưa tốt, chi phí truy cập trên 3G, 4G còn cao…, nên việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, đời sống… còn gặp nhiều khó khăn.

Tất cả những hạn chế, tồn tại nêu trên cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, nhà khoa học- công nghệ để giúp nông dân, hộ nông thôn nâng cao trình độ, năng lực sử dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghệ cao, tiên tiến để có thể quản lý, điều hành tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh,… trong tiến trình xây dựng ấp thông minh hay xã, huyện thông minh tới đây phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MINH HÒA