Góp sức chăm lo cho người có hoàn cảnh đặc biệt

Cập nhật, 22:21, Chủ Nhật, 14/01/2024 (GMT+7)

 

Chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật là việc làm thường xuyên được các cấp hội chú trọng duy trì.
Chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật là việc làm thường xuyên được các cấp hội chú trọng duy trì.

Với tình yêu thương và sự cảm thông sâu sắc, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Người khuyết tật (NKT) và Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đậm tính nhân văn, hướng tới người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, tiếp thêm niềm tin giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Chung tay vì người khuyết tật

Bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, NKT và Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết, thành lập từ năm 2001, đến nay, hội đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời về phương tiện sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần như: trợ cấp thường xuyên tiền, gạo, nhu yếu phẩm hỗ trợ NKT đặc biệt nặng (mất nguồn nuôi dưỡng); hỗ trợ vốn sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xe lăn, xe lắc, nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch,… để nâng cao chất lượng cuộc sống NKT.

Trong năm 2023, hội đã hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho NKT vận động, phẫu thuật dị tật hàm ếch 10 ca, trị giá gần 100 triệu đồng; phẫu thuật tim bẩm sinh 8 ca, trị giá hơn 577 triệu đồng. Hội vận động tặng 368 xe lăn, 43 xe lắc, lắp chân giả, hỗ trợ 100 gậy dò đường...

Một mô hình hỗ trợ mới là tỉnh hội triển khai Đề án số 107/ĐA-HBT ngày 16/3/2023 của Trung ương hội về việc thực hiện chương trình “Máy tính và các thiết bị công nghệ thông tin thông minh hỗ trợ sinh kế, học tập cho NKT và trẻ mồ côi giai đoan từ năm 2023-2027” cho cán bộ chuyên trách hội 3 cấp, đề ra kế hoạch vận động và giao chỉ tiêu cho từng huyện. Hội đã hỗ trợ máy vi tính cho học sinh khiếm thị ở huyện Vũng Liêm.

Với sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng, người nghèo, khuyết tật có thêm động lực vượt qua số phận. 5 tháng qua, bếp ăn ở Nhà thờ Phường 4, TP Vĩnh Long đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người nghèo, khuyết tật.

Cứ đều đặn mỗi tuần 5 ngày, bếp ăn lại hoạt động để mang đến những suất cơm trưa bổ dưỡng hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa thiết thực, bếp ăn đã huy động được sự chung tay góp sức của hơn 10 nhóm thiện nguyện với trên 100 thành viên thay phiên nhau duy trì hoạt động.

Mỗi suất cơm với đủ món mặn, món canh được trao đến người nghèo, NKT chỉ có 5.000 đ/phần như một sự sẻ chia để họ nhẹ bớt một phần chi phí trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Phường 4, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Tui bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, hàng ngày bán vé số để mưu sinh. Từ ngày có bếp ăn 5.000đ, buổi trưa tui ghé đến ăn để tiết kiệm chi phí, có dư thêm ít tiền để tích góp trang trải cuộc sống”.

Ngồi trong căn nhà khang trang vừa xây xong, bà Cù Thị Khỏe (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) rưng rưng vì ước mơ cuộc đời đã trọn vẹn. “Nhà nghèo, tui không thể đi lại, các con ai thuê gì thì làm nấy, ngôi nhà cũ bằng gỗ bị mối mọt ăn, giờ được hội hỗ trợ căn nhà che nắng che mưa tui mừng dữ lắm. Tết này ấm cúng, phấn khởi trong căn nhà mới”- bà Khỏe cho biết.

Nối dài những vòng tay ấm

Đại diện Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi Việt Nam đã đến trao đổi, triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, thực hiện bình đẳng giới và lồng ghép trong hoạt động bảo trợ NKT tại cộng đồng cho 129 cán bộ chuyên trách hội và hội viên các cấp của 3 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Ông Nguyễn Trọng Đàm- Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị thông tin, kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến NKT và trẻ mồ côi.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, hội chú trọng giúp NKT và trẻ mồ côi tiếp cận đầy đủ các chính sách, nguồn lực và các dịch vụ. Đồng thời tạo cơ hội để họ cải thiện sức khỏe, được học chữ, học nghề, tạo sinh kế, có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Trong những năm qua, hội đã đóng góp có hiệu quả vào thực hiện chính sách xã hội hóa, vận động nguồn lực từ xã hội để tổ chức bảo vệ, chăm sóc trợ giúp NKT và trẻ mồ côi. Việc này đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp NKT và trẻ mồ côi cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao đời sống, giúp họ hòa nhập cộng đồng, sống bình đẳng.

Người khuyết tật huyện Mang Thít được hỗ trợ xe điện làm phương tiện đi lại, mưu sinh.
Người khuyết tật huyện Mang Thít được hỗ trợ xe điện làm phương tiện đi lại, mưu sinh.

Bà Lê Thanh Xuân cho biết, năm 2024, các cấp hội tiếp tục phát huy và duy trì thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản thường xuyên: Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng; vận động hỗ trợ phương tiện sinh hoạt, học tập, chăm lo đời sống vật chất tinh thần; đồng thời chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người có hoàn cảnh đặc biệt.

Hội tập trung thực hiện chính sách xã hội hóa bằng việc đổi mới nội dung, hình thức, tăng hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa để cùng với ngân sách nhà nước trợ giúp NKT, trẻ mồ côi, những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.

Từ sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc, với sự đồng lòng của những tấm lòng thiện nguyện để cho ngọn lửa yêu thương luôn cháy mãi, nối dài thêm những vòng tay nhân ái, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ