Xin đừng dùng đòn roi với trẻ

Cập nhật, 13:33, Thứ Ba, 07/06/2022 (GMT+7)

 

Trẻ em được dạy về tình yêu thương từ gia đình và nhà trường.
Trẻ em được dạy về tình yêu thương từ gia đình và nhà trường.

(VLO) “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”- là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Mục tiêu tháng hành động nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em, thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động trẻ em.

Tháng hành động cũng kêu gọi cộng đồng quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh.

Xin đừng lặng im

Thời gian qua, dư luận tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước các vụ trẻ em bị bạo hành, gây thương tích nặng nề, thậm chí cả tử vong thương tâm. Trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn nhất đối với các em.

Theo thống kê, có 97% vụ việc này do chính người thân, ba, mẹ, ba dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em trong gia đình, thậm chí có những trường hợp thương tật hoặc tử vong.

Sự gia tăng các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, thậm chí còn nhiều hơn trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19 và đây là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người trong xã hội, cần nhận thức rõ hơn và cùng chung tay ngăn chặn nạn bạo hành đối với trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền về Luật Trẻ em, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em. Nghị định 130 đã quy định những mức phạt cụ thể cho các hành vi bạo lực với trẻ em, gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Theo số liệu của Bộ Công an, mỗi năm có 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó phát hiện khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục.

Trong sự việc liên quan đến cái chết của em gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị “người tình của ba” đánh và tàn nhẫn hơn chính ba bé là người biết chuyện lại che giấu.

Hành vi bạo hành diễn ra ở một chung cư, không ít người hàng xóm đã thấy những dấu hiệu bất thường nhưng lại cho đó là “việc gia đình”, là “người lớn dạy dỗ con trẻ”… Chỉ khi hậu quả đau lòng xảy ra, vụ việc mới bị phát giác.

Có rất nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra, hàng xóm biết nhưng không thông báo kịp thời với cơ quan chức năng. Như vụ bé gái 3 tuổi (huyện Thạch Thất- TP Hà Nội) bị “người tình” của mẹ đánh đập thường xuyên và cắm đinh vào đầu dẫn đến tử vong; vụ bé gái 12 tuổi (Hà Nội) bị cha dượng xâm hại tình dục, mẹ đẻ bạo hành tàn nhẫn;...

Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống.

Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ chịu bạo hành trong cô đơn và im lặng sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi với sự nuối tiếc, căm phẫn của người thân, gia đình và cả xã hội.

Xin đừng dùng “đòn roi” với trẻ

Những áp lực trong cuộc sống song hành với chuyện con cái nói không nghe… dẫn đến không ít những người cha, người mẹ thiếu kiên nhẫn khi dạy con. Đánh đòn có thực sự là một cách giáo dục tốt và liệu có phải là duy nhất trong hành trình làm cha mẹ?

Ba mẹ hãy hãy giáo dục con bằng tình yêu thương, để con ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.
Ba mẹ hãy hãy giáo dục con bằng tình yêu thương, để con ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Qua ghi nhận, hiện có nhiều phụ huynh chọn cách dạy con không đòn roi. Ba mẹ dùng đòn roi được xem là bất lực trong cách dạy. Ngược lại, với những lỗi lầm của trẻ, cha mẹ phạt: khoanh tay, úp mặt vào tường hoặc không được chơi đồ chơi yêu thích,... kèm theo đó là giải thích nhẹ nhàng với con.

“Cá nhân tôi cũng bị mẹ đánh. Đến năm lớp 12, tôi phản kháng lại nên không bị đánh tiếp. Tôi vẫn nhớ như in mỗi trận đòn bầm giập đau điếng và những lời sỉ vả của mẹ và tình cảm 2 mẹ con của tôi vẫn còn khoảng cách. Có con gái, tôi luôn tự hứa với lòng sẽ không bao giờ đánh con.

Con sai, tôi vẫn phải phạt, không nghe lời tôi bình tĩnh, kiên nhẫn nói cho hiểu và tuyệt đối không đánh đòn. Tôi tin rằng, không dùng đòn roi con gái mình sẽ vẫn nên người và là một đứa trẻ biết sống tình cảm trong môi trường gia đình đầy ắp tình yêu thương” chị P.M.A. chia sẻ.

Những người cha, mẹ dùng bạo lực để giáo dục con mình thường không nghĩ rằng mình sai, cho rằng mình làm như vậy vì quá thương con, mong muốn con cái trưởng thành, có một tương lai tươi sáng để có thể thoát khỏi sự nghèo khổ mà họ từng nếm trải.

Những câu nói khi tức giận trong cuộc sống hàng ngày, những câu so sánh con cái mình với con cái nhà người ta của ba mẹ, đang vô tình khiến những đứa con luôn sống trong nỗi đau, bị tổn thương tâm hồn sâu sắc. Các con rất dễ mang những xúc cảm tiêu cực tự ti, mệt mỏi, trầm uất, oán hận, sợ hãi ba mẹ.

Ba mẹ đâu biết rằng, vết sẹo trên cơ thể con cái mình do những đòn roi ấy sẽ lành nhưng những vết sẹo trong tâm hồn này không dễ chữa lành và có thể theo trẻ suốt cuộc đời.

Hãy loại bỏ cách tư duy bạo lực, thói quen dùng bạo lực để giải quyết các mối quan hệ xã hội. Tăng cường truyền bá cho lòng vị tha và đức khoan dung, ngăn chặn và xử lý ngay các loại sản phẩm văn hóa gắn liền với bạo lực, phim ảnh bạo lực, đồ chơi bạo lực. Trẻ em cũng cần nhiều tình thương yêu và được dạy tình yêu thương hơn từ trong gia đình và nhà trường.

“Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”-đây chính là thông điệp được truyền đi trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Để thông điệp này không chỉ là khẩu hiệu và thật sự có hiệu quả, nhằm giảm các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em Cục trưởng Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng mỗi cá nhân và toàn xã hội hãy lên tiếng và hành động bằng cách gọi ngay đến đường dây nóng của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hay tố giác đến cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em gần nhất mỗi khi phát hiện, nghi ngờ có hành vi xâm hại, bạo lực trẻ.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN