Chuyện kháng chiến

Giải phóng Khu trù mật Cái Sơn

Cập nhật, 13:46, Thứ Ba, 13/12/2016 (GMT+7)

Đầu tháng 12/1974, trong chiến dịch Đông Xuân 1974- 1975 tại tỉnh Vĩnh Long, đơn vị phối hợp giữa Đội Phòng thủ Tỉnh ủy (C40) và tự vệ các cơ quan ngành tỉnh cùng du kích các xã dọc lộ 16 do C40 làm nòng cốt và chỉ huy, nhận lệnh của Ban Chỉ huy chiến dịch tỉnh hình thành một mũi tiến công địch khi đưa lực lượng lên cắt đứt lộ 16 phối hợp với các đơn vị bạn cô lập và uy hiếp chi khu Tam Bình để hiệp đồng với chiến trường chung.

Thời điểm này, đơn vị hội quân được khoảng 80 tay súng do đồng chí Mai Hồng Thắng (Sáu Trắng)- Đội trưởng C40 làm chỉ huy trưởng, anh cũng là một trong các chỉ huy phó của chiến dịch.

Khởi đầu với cách đánh sở trường là dùng “3 mũi giáp công” (chính trị, quân sự và binh vận) với hậu cần nhân dân và chiến thuật pháo đài, chiến hào, dàn mặt trận đánh phòng ngự có “bãi lửa”(bãi gài nhiều trái nổ) hỗ trợ trước trận địa để ngăn địch cứu viện, họ đã vây ép bức rút đồn Lung Chuối (xã Mỹ Thạnh Trung), rồi tiếp tục bức rút đồn Chòi Mòi (Ấp 6, xã Mỹ Lộc).

Thừa thắng, đơn vị theo lộ 16 tiến về hướng Ba Càng bao vây bức rút các đồn lô 10, Sân Bia và đồn cầu Số Ba là 3 trong 4 đồn bảo vệ vòng ngoài của đồn trung tâm có nhiệm vụ trấn giữ Khu trù mật Cái Sơn.

Chớp thời cơ, Ban Chỉ huy chiến dịch lệnh cho đơn vị tiến lên tiêu diệt luôn đồn trung tâm để giải phóng khu trù mật này.

Khu trù mật Cái Sơn: một nhà tù trá hình

Ở cái gọi là “khu trù mật” này, có lúc địch gom vào đây gần ngàn hộ dân ở huyện Tam Bình, hầu hết họ ở vùng giải phóng thuộc các xã Song Phú, Mỹ Lộc, Bình Phú… để chúng dễ bề kiểm soát, bắt thanh niên đi lính.

Hệ thống chính quyền của địch tại đây được chúng tổ chức hoàn chỉnh từ ấp đến xã, thâm độc nhất là cứ 5 nhà liền kề chúng tổ chức thành một “liên gia” để kiểm soát nhau. Ngoài bọn tề điệp và cảnh sát, địch còn xây dựng hệ thống các đồn bao quanh và một hậu cứ quân sự cấp tiểu đoàn quân đồn trú ở khu trung tâm.

Vốn có cuộc sống yên lành ở quê nhà nay họ vào đây phải chịu cảnh sống “cá chậu chim lồng” đi đâu cũng phải xin phép, sáng sáng đi về ruộng vườn cũ sản xuất tối đến ai cũng phải trở lại khu trù mật.

Vì vậy, cái thân của họ tuy ở trong cái nhà tù trá hình này nhưng lòng thì luôn hướng về với cách mạng. Nhiều người thừa lúc đi lao động bí mật cung cấp tin tức, tiếp tế mọi thứ cần thiết cho lực lượng cách mạng dù có trường hợp bị địch phát hiện bắt đi tù. Có người nhận nhiệm vụ của ta trong khu trù mật đã trở thành đoàn viên hay đảng viên như chị Ba Kiểm, cô Mười Ba ở lô 1, ông Mười Ốm ở lô 10…

Giải phóng khu trù mật

Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị khi nhận nhiệm vụ tiêu diệt đồn trung tâm- hậu cứ của Khu trù mật Cái Sơn- đều biết đó là nhiệm vụ giải tán nhà tù trá hình này nên ai cũng phấn khởi, bởi bên cạnh việc hạ được một loạt đồn nói trên trong đó có 3 đồn bảo vệ khu trù mật mà không bị thiệt hại gì, đơn vị còn được một cán bộ lãnh đạo của Tỉnh đội xuống chỉ đạo và tăng cường một tiểu đội của Đội vệ binh Tỉnh đội để nâng quân số lên đủ 90 tay súng. Hỏa lực của đơn vị cũng được bổ sung, đặc biệt là bộ phận pháo binh của tỉnh sẵn sàng yểm trợ cối 82, pháo SKZ 75, trọng liên 12 ly 8 khi có yêu cầu.

Vui nhất là đêm đêm nhiều người dân vùng căn cứ ở các xã ven bên lộ 16 mà đơn vị thường đóng quân kéo nhau từng toán lên lộ ban phá và đắp mô. Khi gặp lại chiến sĩ ta, họ tay bắt mặt mừng, tình quân dân khắng khít này chẳng khác nào tiêm cho đơn vị một liều thuốc hưng phấn tuyệt vời trước khi bước vào dứt điểm mục tiêu quan trọng là đồn trung tâm- trái tim- của khu trù mật.

Đồn trung tâm của khu trù mật có hình tứ giác rộng khoảng 500m2, ở 4 góc có 4 lô cốt, xung quanh là tường đất và nhiều vòng rào kẽm gai có bố trí mìn bao bọc. Bên trong, chúng xây dựng hầm hào, hố phòng thủ cá nhân kiên cố.

Với một tiểu đoàn lính bảo an được trang bị mạnh, rõ ràng đây là một hậu cứ quân sự mạnh.

Qua các bước điều nghiên, đơn vị quyết định đánh hậu cứ này theo cách cũ là dùng “3 mũi giáp công” với pháo đài, chiến hào cùng bãi lửa và coi mặt trận đánh phòng ngự chống địch cứu viện là then chốt. Pháo đài được dân công 2 xã Song Phú và Mỹ Lộc nhanh chóng dựng lên trong đêm có chiều cao và khoảng cách đảm bảo khống chế được bọn lính trong đồn.

Dựa vào địa hình sông rạch, mặt trận phòng ngự chính được bố trí từ lô 1 chỉ cách đồn Rạch Rừng khoảng 100m đến gần lô 6, cùng với các tuyến bảo vệ sườn trái, sườn phải và đoạn hậu thì hậu cứ địch hầu như bị vây gọn.

Để bao quát được trận địa, ban chỉ huy chung của đơn vị được đặt tại nhà Ba Kiểm- chị là đảng viên hợp pháp của Chi bộ Long Phú.

Khi tuyến công sự hàm ếch áp sát rào hậu cứ được bí mật đào xong và mọi bước chuẩn bị đã sẵn sàng, trưa 5/1/1975, quân ta dùng SKZ 75 và B41 bắn vào hậu cứ.

Ngay đợt tiến công đầu tiên này, ta đã gây cho địch một số thương vong, tối đến dựa vào tuyến công sự hàm ếch, các mũi xung kích được hỏa lực từ pháo đài yểm trợ từ 9 giờ đêm đến 1 giờ sáng từng chập ném hơn 150 quả thủ pháo vào đồn.

Sau đó, lực lượng trụ ở pháo đài túc trực suốt đêm đến sáng xạ kích các điểm di động trong đồn không cho chúng bung ra hoạt động và phá hoại tuyến công sự hàm ếch của ta.

Đúng như ta dự đoán, sáng hôm sau, địch đưa Tiểu đoàn 468 và 2 đại đội bảo an từ hướng Ba Càng chia làm 2 mũi vào ứng cứu cho khu trù mật. Khi bọn này vừa qua khỏi đồn Rạch Rừng lọt vào bãi lửa của mặt trận phòng ngự thì mũi đội đầu của ta bắt đầu nổ súng.

Pháo cối của ta cũng hiệp đồng nã liên tục vào đội hình địch khiến chúng tán loạn, số bị trúng đạn pháo, số vướng phải trái nổ của bãi lửa làm nhiều tên chết và bị thương.

Cùng lúc tại đồn trung tâm, lực lượng ta cũng dựa vào pháo đài và hệ thống công sự tiến công địch quyết liệt ngăn không cho chúng bung ra bắt tay với bọn đi ứng cứu để chuyển các tên chết và bị thương đi.

Không hợp đồng được, bọn cứu viện buộc phải mau chóng lùi lại bỏ cả xác các tên chết trên trận địa.

Suốt ngày hôm đó, dù được các cụm pháo 105 ly, kể cả máy bay phản lực ném bom yểm trợ, nhưng 6 đợt xung phong của bọn cứu viện đều bị quân ta đẩy lùi buộc phải rút lui chờ viện binh, thêm khoảng 30 tên bị thương vong, mấy cái xác bị bỏ lại tại trận địa chúng cũng không lấy được.

Bọn trong đồn trung tâm cũng không hơn gì, suốt đêm đó quân ta liên tục dùng súng 12 ly 8, B41 bắn phá và ném thủ pháo từng chập uy hiếp tinh thần khiến bọn này vô cùng lo lắng liên tục kêu cứu với Chi khu Tam Bình.

2 ngày sau đó, từ điểm cụm quân cách trận địa khoảng 2.500m, bọn địch ứng cứu đã được Tiểu khu Vĩnh Long tăng cường thêm 1 tiểu đoàn bảo an mở nhiều mũi tiến vào khu trù mật.

Cũng y bài bản cũ, bọn này co cụm rồi “tiền pháo hậu xung” đến hơn một chục đợt xung phong nhưng chẳng có đợt nào dùi thủng phòng tuyến của quân ta, mà danh sách thương vong của chúng còn bị kéo dài thêm khoảng 50 tên nữa. Đến chiều, bọn này đành rút về điểm cũ cụm quân chờ thêm viện binh.

Nhưng cái đêm thứ 3 này là cái đêm đầy thất vọng đối với chúng: đêm 9 rạng ngày 10/1, Trung đoàn 3 của Quân khu 9 đã tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó.

Lần đầu tiên trong tỉnh, quân ta thu được cả pháo 105 ly đã gây thối động trong hàng ngũ địch, buộc Tiểu khu Vĩnh Long sáng hôm đó phải “giật gấu vá vai” rút 2 tiểu đoàn đang làm nhiệm vụ ứng cứu khu trù mật đi chữa cháy ở Thầy Phó.

Tin này khiến bọn địch ở hậu cứ Khu trù mật Cái Sơn hốt hoảng, bởi các xác chết của lính trong đồn trung tâm qua 3 ngày cố thủ đã bắt đầu sình lên, các tên bị thương không được đưa đi cứu chữa bắt đầu rên xiết chửi rủa, lương thực cạn kiệt lại có hơn 100 vị khách không mời mà đến là các nhóm lính ở mấy đồn lẻ bao quanh chạy về xin tá túc, khiến bọn này trước đó hy vọng vào bọn cứu viện bao nhiêu thì đến lúc này càng thất vọng bấy nhiêu…

Cùng lúc này ở ban chỉ huy đơn vị, với các thông tin mà các chiến sĩ trinh sát kỹ thuật cung cấp qua hệ thống điện đài theo dõi địch kết hợp tình hình thực tế tại chỗ, các đồng chí chỉ huy đều có nhận định chung là bọn địch trong hậu cứ khu trù mật đang lâm vào tình cảnh bi đát chưa từng có, là thời cơ dứt điểm mục tiêu.

Quyết tâm này của đơn vị được chỉ huy trưởng chiến dịch của tỉnh đồng ý. Ngay trong đêm 10/1, pháo binh ta dùng SKZ 75 bắn mạnh vào hậu cứ kết hợp lực lượng xung kích từ các công sự dùng khối lượng lựu đạn, thủ pháo gấp nhiều lần của đêm trước đánh dồn dập gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Và một việc đã xảy ra sớm hơn dự kiến của ta: khoảng 2 giờ rạng sáng 11/1, lợi dụng lúc xung kích ta thay quân, bọn địch trong hậu cứ bí mật vẹt rào vượt ngang ngã tư sông Cái Sơn ra giữa đồng Bưng Sậy ém lại.

Ngay trong đêm, khi trinh sát kỹ thuật của đơn vị phát hiện địch tháo chạy, ta liền tổ chức ngay các bộ phận truy kích nhưng vì đêm tối và địch hạn chế tối đa sử dụng điện đài nên không phát hiện được chúng. Đến sáng, bọn này kết hợp với nhóm quân cứu viện còn đang thấp thỏm ở điểm cụm quân kéo nhau chuồn về Ba Càng.

Từ giây phút đó, Khu trù mật Cái Sơn hoàn toàn giải phóng, người dân ở đây phấn khởi phá banh khu trù mật kéo nhau về ruộng vườn cũ, chấm dứt hơn 16 năm 6 tháng (8/1959- 11/1/1975) bị địch kìm kẹp. Lộ 16 nối QL1 với Chi khu Tam Bình bị cắt đứt hoàn toàn nhưng đơn vị vẫn đứng chân sẵn sàng đánh địch tái chiếm.

 

Khu trù mật Cái Sơn có một lịch sử rất đen tối: Vào tháng 8/1959, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây dựng thí điểm 2 “khu trù mật” ở tỉnh Vĩnh Long, trong đó có Khu trù mật Cái Sơn tại huyện Tam Bình.

 

Đây là một âm mưu thâm độc của địch dồn dân vào các khu tập trung có một cái tên nghe rất mỹ miều đó hòng tách rời mối quan hệ của nhân dân với cách mạng.

 

Khu trù mật Cái Sơn được xây dựng thành 10 lô nằm cặp bên phải lộ 16 hướng từ huyện lỵ Tam Bình đi Ba Càng, chung quanh được sông rạch và hàng rào kẽm gai bao bọc, lại có con kinh tên Cái Sơn cắt ngang thẳng góc với lộ 16 phân chia nó thành 2 khu rõ rệt bằng nhau trông giống như một bàn cờ tướng: khu A từ lô 1 đến lô 5 thuộc địa phận xã Song Phú (nay thuộc xã Long Phú), còn khu B từ lô 6 đến lô 10 thuộc địa phận xã Mỹ Lộc.

 

Từ những ngày đầu thấy địch gom dân công các nơi về đào hào, dựng rào thép gai người dân tại chỗ đã ý thức được ý đồ đen tối đó của địch nên đã làm tai mắt cho lực lượng vũ trang ta phục kích diệt tên Tỉnh trưởng Khưu Văn Ba ngay trên lộ 16 khi hắn đi thị sát việc xây dựng khu trù mật.

HỒNG VÂN

(Theo lời kể của đồng chí Mai Hồng Thắng, nguyên Đội trưởng C40)