Tục thờ ông Tà trong dân gian

Cập nhật, 13:33, Thứ Bảy, 19/12/2015 (GMT+7)

Theo các nhà nghiên cứu, tục thờ ông Tà có xuất xứ từ tín ngưỡng thờ Neak-Ta của dân tộc Khmer. Trong tiếng Khmer, “Neak” là danh từ chỉ người nói chung, “Ta” là người đàn ông lớn tuổi, được tôn kính, được cộng đồng tín nhiệm. “Neak Ta” được xem là vị thần bảo hộ cho một cộng đồng dân cư ở làng quê.

Tục thờ Neak Ta có nguồn gốc xa xôi từ tục thờ đá của cư dân nguyên thuỷ, xuất hiện ở nhiều nước Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tổ tiên của loài người sống trong hang đá nên rất sùng bái Thần Núi (Sơn thần), trong quá trình di cư đến các vùng đồng bằng vẫn mang theo tín ngưỡng thờ đá, như một cách để tưởng nhớ tổ tiên.

Một số vật dụng, dụng cụ bằng đá như cối đá (cối xay bột, cối giã gạo, cối quết cốm dẹp...), bàn đá, ghế đá, vòng tay, mặt dây chuyền, trang sức bằng đá... vẫn còn gặp ở nhiều nơi.

Bàn thờ bên trong ngôi miếu ông Tà.
Bàn thờ bên trong ngôi miếu ông Tà.

Những ký ức về đá, về núi trong đời sống dân gian của người Cà Mau tuy có nhạt nhoà theo thời gian, nhưng vẫn còn lưu lại trong tâm thức cộng đồng qua một số hiện tượng như đặt tên đất, tên người, tên công trình xây dựng, đình chùa, miếu mạo đôi khi có chữ “Sơn”, chữ “Cao” trong tên gọi.

Những người có nguồn gốc xuất thân, hoặc học hành tu tập từ vùng Thất Sơn, núi Sập thường được mọi người nể sợ, trọng thị. Dân gian hay dùng từ “xuống núi” để chỉ những người vừa hoàn thành việc học hành, tu tập; những người gan lì, liều lĩnh, hay thể hiện sức mạnh... được cho là có “tướng núi”.

Hình tượng ông Tà là một hòn đá nhẵn nhụi, có khi nhỏ như hòn sỏi, có khi nặng đến vài chục kí-lô-gam. Ông Tà thường được thờ trong miếu, hoặc hốc cây, hoặc phối thờ cùng với bàn thờ Thông Thiên, bàn thờ ông Ðịa... người ta tin rằng ông Tà thường “đi, về” trong hòn đá vào lúc khoảng nửa đêm, nhất là những đêm không có trăng, lúc đó hòn đá sẽ loé sáng trong nháy mắt, người nào rất may mắn mới được nhìn thấy những khoảnh khắc “đi, về” ấy.

Cách đây vài chục năm, nếu đi vào các vùng nông thôn Cà Mau rất dễ dàng bắt gặp những “miếu ông Tà” (hay đọc trại là “miễu ông Tà”) ở ven các sông, rạch, hoặc ngã ba, ngã tư sông. Có ngôi miếu lớn như nhà ở, người ta có thể vào bên trong để thắp nhang khấn vái, cầu nguyện; có ngôi miếu nhỏ như miếu Thổ thần, chỉ cao khoảng 60-80 cm.

Bên trong miếu bao giờ cũng có một bàn thờ nhỏ, phía trên đặt một “ông Tà” và một lư hương, vài cái ly nhỏ, có khi có thêm nải chuối hoặc trứng vịt, trứng gà mà ai đó vừa mới cúng xong.

Tại ấp Kinh Hãng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời vẫn còn ngôi miếu nhỏ ở chỗ ngã tư sông gắn liền với tên gọi của địa danh ngã tư Miễu Ông Tà. Theo người dân địa phương thì chỗ này trước đây có ngôi miếu lớn, diện tích vài mét vuông để thờ ông Tà, người dân sinh sống xung quanh thường ra vào thắp nhang và cúng kiếng.

Sau này ngôi miếu lớn đã sập nên người chủ đất dựng tạm miếu nhỏ để thờ, bên trong vẫn còn đặt bàn thờ và một “ông Tà” được nhang khói thường xuyên.

Lễ cúng ông Tà hằng năm thường diễn ra vào khoảng tháng Ba âm lịch (thời điểm chuẩn bị làm đồng áng) do cộng đồng dân cư xung quanh miếu thờ cùng nhau tổ chức. Mục đích của lễ cúng là để cầu an, mưa thuận gió hoà, được mùa vụ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn có lễ cúng riêng để cầu mong vượt qua tai nạn, bệnh tật, xui rủi... Lễ cúng bao giờ cũng có một ly rượu đế.

Tương truyền, ông Tà rất thích trẻ con, vì vậy mà tại các nơi thờ, nhất là những gốc cây cổ thụ ven sông, trẻ con thường đến chơi, nghịch ngợm mà không bị quở phạt. Người ta kể rằng, có đứa trẻ nghịch phá, lấy hòn đá “ông Tà” ném xuống sông, nhưng sáng hôm sau quay lại vẫn thấy ông nằm đó, nghĩa là ông đã tự “bò” từ dưới sông lên để về đúng chỗ thờ.

Tục thờ ông Tà từ lâu trở nên quen thuộc với người dân Cà Mau, không chỉ phổ biến trong đồng bào dân tộc Khmer mà cả người Kinh cũng tổ chức thờ cúng. Dân gian có câu: “Ông Ðịa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”. Vì thế, ông Ðịa (Thổ Ðịa) được xem như một gia thần, thường được thờ chung với Thần Tài ở trong nhà thì ông Tà trở thành thần bảo hộ cho đồng ruộng, được thờ phổ biến ngoài bờ sông, bờ ruộng.

Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa người Kinh và người Khmer qua nhiều thế hệ cộng cư đã biến thần Neak-Ta của người Khmer trở thành ông Tà của người Kinh. Từ các hiện tượng thờ cúng ông Tà trong đời sống dân gian, cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống trên vùng đất Cà Mau đã gửi gắm niềm tin - tín ngưỡng vào vị thần bảo hộ, có nhiệm vụ trông coi đồng áng, giúp mùa màng bội thu./.

Theo http://baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=38798