Sức sống của đờn ca tài tử ở Vũng Liêm

Cập nhật, 06:23, Thứ Bảy, 19/12/2015 (GMT+7)

Những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi có dịp về thăm huyện Vũng Liêm. Những ngày này, ngoài không khí sôi động, tất bật cho nhiều hoạt động tổ chức mít tinh kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và 93 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những đội văn nghệ quần chúng, các nhóm cũng ráo riết tập luyện cho ngày hội thi đờn ca tài tử (ĐCTT) trong dịp kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa.

Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT huyện Vũng Liêm.
Một buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT huyện Vũng Liêm.

Ca ngợi quê hương, lãnh tụ

Hỏi: “Vũng Liêm có bao nhiêu CLB ĐCTT?” thì nghệ nhân Quốc Trạch cười khà khà: “Xứ Vũng Liêm này, dân ĐCTT mà có lấy chiếc phà 200 chở cũng hổng hết!” Mà thiệt vậy, sức sống của nghệ thuật ĐCTT không chỉ gói gọn ở một vài địa bàn mà nó còn lan tỏa đến khắp huyện. “Vũng Liêm có 20 xã- thị trấn thì tất cả đều thành lập CLB ĐCTT, gần 500 nghệ nhân, tài tử đờn, ca.

Thậm chí, ở xã Quới Thiện, bên cạnh CLB ĐCTT xã, địa phương còn lập thêm nhiều tổ, nhóm ĐCTT”- ông Thạch Bê- nguyên cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết.

Ghé lại nhà nghệ nhân Quốc Trạch, căn nhà rộng thênh thang, một mái chái chạy dài dành riêng cho CLB thường xuyên tập trung về đây tập luyện. Những tiếng đờn hòa âm lao rao, tiếng hát ngọt ngào, bay bổng giữa không gian bát ngát của hàng trăm liếp dừa nối tiếp nhau chạy dài mút mắt; cảm giác như lạc vào miền quê Nam Bộ của một thời xa xưa lắm.

Những bài hát ca ngợi Nam Kỳ khởi nghĩa, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xây dựng nông thôn mới... Quốc Trạch- Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB ĐCTT Vũng Liêm có 29 người, từ nông dân đến những chị nội trợ hay các em học sinh. Rất tích cực tập luyện và tham gia nhiều hội diễn, liên hoan ĐCTT cấp huyện, tỉnh…”.

Vừa tập xong bài vọng cổ “Quê hương đất sử tình người”, chưa kịp uống ly nước thấm giọng, tài tử ca Trần Thị Ngọc Hân (xã Tân An Luông) tuy mới 19 tuổi nhưng đã có “thâm niên” 14 năm theo nghiệp ĐCTT hồ hởi chia sẻ: “Ở nhà nghe cha mẹ hát vọng cổ, tôi rất mê.

Lúc 5 tuổi, cha mẹ đã tập tành cho tôi hát bài “Dạ cổ hoài lang”. Đến nay, tôi thuộc, hát, diễn được nhiều bài bản ĐCTT”. Chị tài tử ca Hồng Cúc (xã Trung Thành Tây) nói: “Xóm chị giờ nhà nào cũng sắm dàn karaoke chủ yếu để tập hát vọng cổ, vì ai cũng thích ĐCTT”.

Định kỳ hàng tháng, các CLB ĐCTT đều sinh hoạt, giao lưu không những trong huyện mà còn với địa phương khác. Tùy thời điểm mà các CLB lấy chủ đề cho phù hợp, như lần này CLB ĐCTT huyện Vũng Liêm lấy chủ đề Nam Kỳ khởi nghĩa, hát về bác Sáu Dân. Qua đó, các nghệ nhân, tài tử ĐCTT đã góp phần to lớn trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống. Tiếng đờn, lời ca góp phần lớn và hiệu quả vào công tác tuyên truyền xây dựng quê hương.

“Xuất lộ” nghệ nhân tâm huyết

Nghệ nhân Quốc Trạch (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn cho các tài tử ca tập luyện chập cải lương chuẩn bị hội diễn.
Nghệ nhân Quốc Trạch (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn cho các tài tử ca tập luyện chập cải lương chuẩn bị hội diễn.

Xã Trung Thành được xem như “cái nôi” cho phong trào ĐCTT, mà trong đó nghệ nhân Ba Đờn là người đi đầu khởi xướng và bước sang “trang mới”. Ông Thạch Bê cho biết: “Gia đình nghệ nhân Ba Đờn là một điển hình ở địa phương trong việc phát triển loại hình nghệ thuật này”.

Để tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh này, nhiều năm qua huyện Vũng Liêm luôn quan tâm tìm giải pháp để nâng tầm ảnh hưởng của ĐCTT đối với đời sống cộng đồng dân cư. Phòng Văn hóa Thông tin huyện thường tổ chức nhiều lớp tập huấn đờn, ca 20 bài bản Tổ, hát vọng cổ,… đồng thời hỗ trợ kinh phí để các CLB giao lưu với nhau.

Do vậy mà Vũng Liêm đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân giỏi, nổi tiếng, được ví như truyền nhân của nghệ nhân Ba Đờn và là những “con chim” đầu đàn của nghệ thuật ĐCTT huyện, tiêu biểu với nghệ nhân: Tiểu Yến, Quốc Trạch, Sáu Huynh, Hai Quýt, Ba Kiên, Sáu Tuân... hay những tài tử trẻ giờ đây cũng dần khẳng định được vai trò, phong cách biểu diễn của mình và trở thành nhân tố nòng cốt của các CLB ĐCTT trong huyện như: tài tử Ngọc Hân, Ngọc Điệp, Diệp Cường, Hồng Cúc,…

Chị Hồng Cúc tâm sự: “Trước năm 1979, đoàn nghệ thuật xã Trung Thành vào biểu diễn ở xã, chị xin lên ca 2 câu vọng cổ. Thấy chị có chất giọng tốt, nên nghệ nhân Tiểu Yến mời chị tham gia đoàn rồi theo nghiệp ĐCTT đến giờ. Chị đã đạt giải nhất bài hát “Nhớ cha trong mùa phượng đỏ”, giải ba, giải nhì trích đoạn “Lục Vân Tiên”.

Còn tài tử Ngọc Hân bộc bạch: “Gia đình em có truyền thống ĐCTT. Em rất tự hào với nền nghệ thuật của quê hương. Em sẽ giữ gìn và cố gắng hát thật hay để giới thiệu những giá trị tinh hoa của ĐCTT cho nhiều người biết hơn”.

Nhìn hình ảnh những nghệ nhân ngoài 60, ôm đờn đệm cho các cháu ca, hẳn mọi người đều có chung niềm vui tre... chưa già mà măng đã mọc! Tiếng đờn ca dân tộc vẫn réo rắt trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa.

Nghệ nhân Quốc Trạch:

“ĐCTT Vũng Liêm không những lan rộng trong tỉnh mà còn được các tỉnh- thành khác biết đến. Đã đạt giải cao tại Chương trình Hội ngộ tài tử phương Nam 2014 do Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức; Liên hoan ĐCTT cấp huyện khu vực Nam Bộ lần thứ 3 năm 2014 do Đài Phát thanh tỉnh Kiên Giang tổ chức…”

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM