Ngoại giao kinh tế

Cập nhật, 05:39, Thứ Năm, 25/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, vừa ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Chỉ thị nêu rõ: Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư khóa X, công tác ngoại giao kinh tế đã có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế chưa đầy đủ; ngoại giao kinh tế chưa theo kịp tình hình và yêu cầu phát triển đất nước, chưa gắn kết chặt chẽ với ngoại giao về quốc phòng- an ninh, văn hóa- xã hội để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế- xã hội và đường lối đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tập trung tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác.

Với các đối tác quan trọng, nhất là các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện phải chủ động, tích cực tạo lập, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác, gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ; tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước.  

Theo Chỉ thị 15, xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế; hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế.

N. HOÀNG