Ban Văn hoá-Xã hội khảo sát việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hoá

Cập nhật, 15:59, Thứ Ba, 23/04/2024 (GMT+7)

(VLO) Sáng 23/4, Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh đến khảo sát kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hoá tại huyện Tam Bình, giai đoạn 2021-2025.

Đoàn khảo sát Bia Truyền thống Công an tỉnh.
Đoàn khảo sát Bia Truyền thống Công an tỉnh.

Đoàn khảo sát Nhà Lưu niệm Ngọc Đầu Sư Nguyễn Văn Ngợi (Khóm 3, TT Tam Bình), Bia Truyền thống Công an tỉnh (ấp Danh Tấm, xã Hậu Lộc), Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (Ấp 4, xã Hậu Lộc) và có buổi làm việc với UBND huyện Tam Bình.

Tam Bình hiện có 114 di tích, trong đó 10 di tích được xếp hạng, 6 di tích đã lập thủ tục trình xem xét trình xếp hạng. Năm 2021 đến nay, ước tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích 10,7 tỷ đồng.

Nhìn chung, các điểm di tích lịch sử-văn hoá đều hoạt động đúng theo quy định của pháp luật; thực hiện mô hình tự quản: tự tôn tạo, tự quản lý, bảo quản, tự lực về kinh phí; giữ được nét văn hóa đặc sắc và đặc điểm lịch sử vốn có. Hiện, việc đầu tư tôn tạo, nâng cấp, trùng tu, xây mới chưa có kinh phí thực hiện, dẫn đến có những di tích bị xuống cấp trầm trọng.

Đoàn làm việc tại Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang.
Đoàn làm việc tại Khu Di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang.

Dịp này, địa phương kiến nghị công nhận Khu Lưu niệm GS.VS. Thiếu tướng- Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia; đầu tư tôn tạo, xây dựng Khu Lưu niệm phong trào Đông Du; xây dựng di tích trận đánh 6 ngày đêm; ban hành chính sách quản lý và sử dụng các nguồn tài chính của di tích (tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ...) theo định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn thu của di tích cho việc tu bổ, tôn tạo di tích; tăng cường giáo dục, tuyên truyền và phổ biến Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo tồn di sản văn hóa

Ông Nguyễn Đắc Phương-Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh lưu ý địa phương cần đánh giá kỹ toàn bộ các di tích, khả năng duy trì hoạt động, tôn tạo; có kế hoạch trùng tu phù hợp với điều kiện, phân giai đoạn, phân kỳ định hướng nguồn lực, phương thức, cách thức xã hội hoá; quan tâm xem xét bố trí phục vụ công tác quản lý Nhà nước cho sự nghiệp văn hoá, phục vụ quản lý di tích; sớm hình thành quy chế quản lý, phân cấp quản lý, xây dựng các hòm công đức tại các di tích do Nhà nước quản ý và quan tâm đến vấn đề đất đai tại các di tích.

Tin, nh: XUÂN TƯƠI