Tiếp tục ứng phó với xâm nhập mặn

Cập nhật, 04:53, Thứ Ba, 23/04/2024 (GMT+7)

 

Các công trình phòng chống hạn mặn phát huy hiệu quả.
Các công trình phòng chống hạn mặn phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, các địa phương khu vực ĐBSCL đã triển khai đồng bộ, đa dạng các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (XNM), như điều chỉnh thời vụ sản xuất, vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nhất là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.
 
Theo Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ, dự báo XNM có xu thế chung giảm chậm trong thời gian tới nhưng vẫn ở mức cao, mặn còn xâm nhập lên xuống theo triều nhưng không sâu hơn ranh mặn sâu nhất trong tháng 3.
 
Từ khoảng tháng 5 mặn mới giảm nhanh và sang tháng 6 XNM mới lùi xa về phía cửa sông. Do đó, các địa phương không được lơ là, chủ quan, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, XNM.
 
Xâm nhập mặn vẫn còn duy trì
 
Từ đầu năm đến nay, tại ĐBSCL đã liên tiếp xảy ra các đợt XNM và nắng nóng kéo dài. Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ chuyên ngành, qua đó đã giảm thiểu được thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân (người dân ở một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước, nhưng vẫn được bảo đảm nước sinh hoạt thông qua các biện pháp tăng cường cấp nước của địa phương).
 
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TN-MT và Bộ Nông nghiệp-PTNT, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5, tại ĐBSCL xuất hiện 3 đợt XNM (từ ngày 8-13/4, từ ngày 22-28/4 và từ ngày 7-11/5).
 
Cụ thể: chiều sâu XNM 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70-95km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-62km; sông Hàm Luông từ 60-68km; sông Cổ Chiên từ 45-55km; sông Hậu từ 40-55km; sông Cái Lớn từ 45-50km.
 
Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, XNM kéo dài. 
 
Tại tỉnh Bến Tre, theo Đài KTTV khu vực Nam Bộ, trong tháng 4 độ mặn bắt đầu giảm dần ở khu vực thượng nguồn huyện Chợ Lách và Châu Thành (thường xuyên có nước ngọt). Tuy nhiên khu vực từ 50-60km trở xuống cửa sông, XNM vẫn còn duy trì và xâm nhập theo triều ở mức cao. XNM tiếp tục giảm trong tháng 5 nhưng XNM vẫn còn xâm nhập theo triều ở mức cao từ khu vực cách cửa sông 48-50km trở xuống. XNM giảm mạnh và kết thúc trong tháng 6.
 
Còn tại tỉnh Long An, tình trạng XNM tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian XNM tăng cao các sông từ nay đến đầu tháng 5, sau đó XNM có khả năng giảm dần.
 
Từ nay tới tháng 5 dự báo vẫn ít mưa, bốc hơi cao, kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, XNM kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.
 
Tại tỉnh Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, tỉnh có khả năng đối mặt với nguy cơ nguồn nước bị nhiễm mặn, thiếu hụt ảnh hưởng đến sản xuất (nhất là vụ Đông Xuân và Hè Thu) và sinh hoạt, đặc biệt là các vùng nằm ven và trên các sông lớn (sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên), tuy nhiên không gay gắt, nghiêm trọng như XNM đã xảy ra vào mùa khô năm 2015- 2016 hay 2019-2020. Theo đó, do hạn mặn kéo dài nên một số xã thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm cũng có xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất.
 
Tập trung ứng phó
 
Theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng mùa khô năm 2024 khả năng ít mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mekong chảy về ĐBSCL thấp, gió Đông Bắc mạnh, tình trạng hạn hán và XNM tới sớm và mức độ gay gắt hơn. Theo đó, lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã liên tiếp chỉ đạo các đài KTTV tỉnh ra những bản tin dự báo, cảnh báo hạn dài, tập trung vấn đề khô hạn, XNM, tham mưu cho địa phương bố trí mùa vụ cây trồng để tránh thiệt hại do vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
 
Các đài KTTV tỉnh cũng luôn trao đổi, tham mưu cho đơn vị vận hành các hệ thống cống ngăn mặn, ngăn triều để đưa ra quy trình vận hành hợp lý, hiệu quả. Chính vì vậy, tính đến thời điểm này, mùa khô năm nay tại các tỉnh ĐBSCL thiệt hại về nông nghiệp do XNM là không lớn, các địa phương chủ yếu thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. 
 
Song song đó, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước phân tán, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL, áp dụng trong điều kiện XNM mùa khô năm 2023-2024” để hướng dẫn các giải pháp trữ nước cho cây ăn trái.
 
Các địa phương cũng đã chủ động triển khai xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để đảm bảo nguồn nước cho cây ăn trái trong thời gian XNM tăng cao. Cùng với các giải pháp ứng phó trong sản xuất, các địa phương vận hành các công trình thủy lợi đã có cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình đang xây dựng để phát huy hiệu quả. 
 
Tại tỉnh Tiền Giang, nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt đủ nước tưới, ngành chức năng tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, XNM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của XNM nguồn nước trên các kênh, rạch ở các huyện, thị phía Đông bị cạn khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân bị thiếu hụt.
 
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã có nhiều giải pháp như vận chuyển nước ngọt bằng xà lan từ thượng nguồn về các ao để sản xuất nước sạch cấp cho người dân sử dụng; cho vận hành các giếng khoan dự phòng; vận chuyển bồn chứa nước cấp nước miễn phí cho người dân ở một số khu vực thiếu nước ở cuối nguồn… nhằm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
 
Bằng nhiều giải pháp, tuy có xảy ra tình trạng nước chảy yếu ở các khu vực cuối nguồn nhưng tỉnh Tiền Giang đã khắc phục kịp thời. Đến nay, công tác cấp nước sinh hoạt cho người dân tại tỉnh này cơ bản được đảm bảo.
 
Để ứng phó với tình trạng hạn hán, XNM trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Liêm cho hay: Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức vận hành tốt các công trình thủy lợi, nước sạch theo quy trình. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ nước ngọt và tổ chức thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong ứng phó trường hợp hạn, mặn bất thường nhằm đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và đời sống người dân.
Người dân cần chủ động ứng phó, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để tiết kiệm nước.
Người dân cần chủ động ứng phó, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để tiết kiệm nước.
Theo khuyến cáo của Đài KTTV khu vực Nam Bộ, trước điều kiện thiếu hụt lượng mưa, nắng nóng kéo dài và XNM còn diễn biến phức tạp, người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo nắng nóng, XNM, nguồn nước để có phương án chủ động ứng phó, sử dụng nước tiết kiệm, tích trữ nước ngọt khi có thể, đồng thời cần tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để tiết kiệm nước.

Theo Đài KTTV khu vực Nam Bộ, nửa cuối năm ENSO chuyển sang pha LaNina, diễn biến thời tiết, thủy văn còn phức tạp, các địa phương cần trao đổi, cập nhật thông tin dự báo KTTV từ các đơn vị dự báo của Đài KTTV khu vực Nam Bộ, Đài KTTV tỉnh để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nửa đầu tháng 5 là thời kỳ chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa, sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, mưa lớn cục bộ, đặc biệt là sét.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG