Phòng hạn, mặn đầu năm

Cập nhật, 05:54, Thứ Năm, 28/12/2023 (GMT+7)

 

Sạt lở bờ sông là một trong những thiên tai gây thiệt hại về tài sản cao hơn trong năm qua ở Vĩnh Long. Ảnh tư liệu: Sạt lở bờ sông Cái Cao, huyện Long Hồ vào đầu tháng 6/2023.
Sạt lở bờ sông là một trong những thiên tai gây thiệt hại về tài sản cao hơn trong năm qua ở Vĩnh Long. Ảnh tư liệu: Sạt lở bờ sông Cái Cao, huyện Long Hồ vào đầu tháng 6/2023.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều thiên tai, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, so với những năm cực đoan, nhìn tổng thể, tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai trong năm qua có những thuận lợi nhất định... kể cả được dự báo trong những tháng đầu của năm 2024.

Năm 2023: Thời tiết, thiên tai không biến động lớn

Tuy có nhiều vụ sạt lở bờ sông gây mất đất, công trình, nhà cửa bị trôi sông; giông, lốc xoáy, gió mạnh làm thiệt hại về người, phá hoại hoa màu, công trình… nhưng xâm nhập mặn, triều cường và các loại thiên tai không gây thiệt hại lớn.

Mùa khô năm 2022-2023, mặn xuất hiện đến tận tháng 5/2023, nhưng do nguồn nước về vùng ĐBSCL cao hơn các năm trước, mưa trái mùa trong mùa khô xảy ra nhiều đợt, có lúc trên diện rộng làm cho xâm nhập mặn ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung không xuất hiện sớm, bất thường, không gay gắt và ảnh hưởng không lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Đến đầu tháng 2, xâm nhập mặn (độ mặn 4‰) mới bắt đầu xuất hiện tại huyện Vũng Liêm (trễ hơn mùa khô 2021-2022 gần 1 tháng). Đỉnh mặn năm xuất hiện vào cuối tháng 2, ở mức từ 3,6-6,3‰, cao hơn đỉnh năm trước từ 1,4-2,3‰, nhưng thấp hơn đỉnh mặn mùa khô năm 2019-2020 (năm mặn kỷ lục) từ 3-4‰. Từ sau ngày 10/2, độ mặn trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện trong các đợt triều cao kéo dài đến cuối tháng 5, nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt.

Mùa mưa năm 2023 bắt đầu sớm, từ khoảng 25/4-5/5 (trung bình nhiều năm từ 29/4-10/5) nhưng cũng kết thúc sớm (từ ngày 11/11) so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa (đến ngày 30/11) tại các nơi trong tỉnh đạt từ 1.292,7-2.038,2mm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 92,4-863,5mm. Trong mùa mưa, xuất hiện 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, nhưng không ảnh hưởng đến tỉnh Vĩnh Long.

Năm nay, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục là năm lũ nhỏ. Ở Vĩnh Long, triều cường đạt đỉnh vào ngày 30/10 với đỉnh tại Mỹ Thuận là 2,06m, tại Cần Thơ là 2,17m đều thấp hơn đỉnh triều năm 2022 (đỉnh triều cao kỷ lục) khoảng 10cm.

Thiên tai năm 2023 gây thiệt hại về tài sản ở mức khá cao, ước tính đến giữa tháng 12 là hơn 78 tỷ đồng (thấp hơn gần 8,7 tỷ đồng so với năm ngoái) và thấp hơn nhiều so với những năm có thiên tai lớn, cực đoan như năm 2016, 2020.

Đáng kể nhất là giông, lốc xoáy, mưa lớn, gió mạnh làm hư hỏng 112 căn nhà, trụ sở cơ quan, nhà xưởng; có 2 người chết do bị sét đánh và 1 người bị thương do giông (tăng 3 người); 3.927,53ha lúa, cây ăn trái, rau màu bị đổ ngã, ngập úng, chết giống... thiệt hại gần 66,5 tỷ đồng (tăng hơn 27,8 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Toàn tỉnh đã xảy ra 152 điểm sạt lở làm mất 4.725m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… trên đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân, thiệt hại về tài sản gần 11,4 tỷ đồng.

Đầu năm 2024: Khả năng bị ảnh hưởng nắng nóng, xâm nhập mặn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%.

Với ảnh hưởng của hiện tượng này khiến cho thời tiết khu vực cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng (trong đó có Vĩnh Long) sẽ diễn biến bất thường, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt có khả năng xảy ra trong các tháng đầu năm 2024.

Theo đó, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Nam Bộ (tập trung ở miền Đông). Số ngày nắng nóng ở các khu vực có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo 3 tháng đầu năm 2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong thời kỳ này; đặc biệt ở khu vực phía Nam, tình trạng này sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và đời sống của người dân nơi đây.

Về xâm nhập mặn, theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, hiện nay lưu vực sông Mekong đang ở thời kỳ đầu của mùa khô năm 2023-2024. Dòng chảy về ĐBSCL đang giảm dần, các hồ chứa ở thượng nguồn có khả năng kéo dài tích nước đến cuối năm 2023, nên giai đoạn đầu mùa khô (từ tháng 12/2023-2/2024) có khả năng xả nước hạn chế.

Do đó, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ xuất hiện sớm, sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng khả năng ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020.

Ở vùng các cửa sông Cửu Long, trong tháng 12/2023: nguồn nước ngọt vẫn còn dồi dào, thuận lợi cho việc lấy nước. Đến tháng 1/2024, vùng các cửa sông Cửu Long có độ mặn thấp; nước ngọt còn tương đối dồi dào ở vùng cách biển khoảng 25-30km trở vào lúc triều thấp, sau đó độ mặn có khả năng tăng cao.

Tháng 2, độ mặn tăng dần, nước ngọt có khả năng xuất hiện cách biển khoảng 35-40km trở vào lúc triều thấp, sau đó độ mặn có khả năng tăng cao từ giữa tháng 2. Đến tháng 3, độ mặn tăng đầu tháng; phạm vi cách biển từ 35-40km trở vào có nước ngọt khi triều thấp, đặc biệt là tuần cuối của tháng này.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, mặn giảm dần; phạm vi cách biển từ 30-40km có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Từ giữa tháng 4/2024 về sau, mặn giảm nhanh, nguồn nước ngọt khá dồi dào. Các vùng từ 25-30km trở vào có thể có nước ngọt.

Tăng cường quan trắc, thông báo hỗ trợ cơ sở, người dân chủ động ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô 2023-2024. Trong ảnh: Trạm quan trắc cảnh báo nhiễm mặn ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ).
Tăng cường quan trắc, thông báo hỗ trợ cơ sở, người dân chủ động ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô 2023-2024. Trong ảnh: Trạm quan trắc cảnh báo nhiễm mặn ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ).

Ở Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời điểm xuất hiện ranh giới mặn 1‰ trên sông Cổ Chiên tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) vào con triều cuối tháng 11âl (khoảng ngày 6-7/1/2024), nhưng độ mặn trên các kinh, rạch nội đồng không vượt qua 1‰; đến gần cuối tháng 1, độ mặn bắt đầu tăng dần xấp xỉ 3‰.

Tuy nhiên, trong mùa khô, dòng chảy phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn, có thể xảy ra các vận hành bất thường.

Vì vậy, các cơ quan đơn vị, các tổ chức sản xuất và người sử dụng nước cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trên địa bàn, trong đó có cả các đợt triều cường, nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời.

Các cơ sở sản xuất và người dân cần quan trắc nguồn nước trước khi quyết định chế độ lấy nước phù hợp, tránh để cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại, nhất là trong những ngày vui Xuân đón Tết.

Bài, ảnh: THÀNH THẶNG