Câu chuyện nông thôn

Khi đồng bằng "đóng cửa" cả ngọt và mặn

Cập nhật, 18:04, Thứ Tư, 10/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Dọc tuyến biên giới thượng nguồn gần như hoàn tất hệ thống đê bao và cửa cống có thể “khóa chặt” nguồn nước ngọt của mùa nước nổi hàng năm; thì phía biển cũng đang dần khép kín hệ thống ngăn mặn từ cả biển Đông lẫn biển Tây.

Với kinh phí mỗi cây số đê biển, cửa cổng ngăn mặn lên đến hàng chục tỷ đồng. Hai Lúa tui hình dung đồng bằng gần như “đóng cửa” với nguồn nước ngọt phù sa và cả nguồn nước mặn từ biển.

Mục đích an toàn khu dân cư và sản xuất, nhưng nếu ngồi tính kỹ người đồng bằng, hệ sinh thái đồng bằng đang mất rất nhiều so với những cái được cụ thể.

Trong khi đó, nếu quy hoạch phù hợp vùng nuôi trồng thì mặn là một lợi thế kinh tế rất lớn. Cần thay đổi tư duy mặn không phải là “kẻ thù” mà là nguồn lợi thiên nhiên nếu nông dân không sản xuất trái ngược với hệ sinh thái mặn- ngọt.

Đồng thời cần có quy hoạch vùng đệm mặn- lợ thật sự an toàn, có thể giảm thiểu ảnh hưởng của xâm nhập mặn cực đoan theo chu kỳ.

Nói chung là trả lại hệ sinh thái tự nhiên và nuôi trồng tương thích với từng vùng vừa giảm thiệt hại, vừa làm sống lại hệ sinh thái vốn vô cùng đa dạng, phong phú của đồng bằng. Đó là tài sản, di sản vô giá của khu vực này.

Những giải pháp tự nhiên đã chứng tỏ ưu thế thấy rõ. Điển hình như chủ trương trồng rừng từ chính quyền địa phương và một số nông dân được giao đất, giao rừng, tái tạo diện tích rừng phòng hộ vừa tạo nên một vành đai an toàn, vừa làm kinh tế “mặn” rất hiệu quả.

Khi rừng có sức chống chọi tốt với sạt lở, đồng thời tạo độ bồi lấn ra biển rất tốt, so với hệ thống “cứng hóa” bằng đê bao. Đương nhiên, cả 2 giải pháp trồng rừng và đê bao cần phối hợp tùy theo từng địa hình, nhưng giải pháp “mềm” nương vào thiên nhiên đạt độ tối ưu cao hơn và rất ít tốn kém hơn.

Đồng bằng chắc chắn sẽ trở thành vùng đất giàu có thật sự khi mà cả hệ sinh thái được khôi phục, giữ gìn một cách nghiêm túc. Vấn đề không chỉ là sản xuất, mà còn cả kiến trúc hạ tầng, cộng đồng dân cư và xây dựng một ý thức thật sự tôn trọng hệ sinh thái thiên nhiên.

Những câu chuyện cá tôm đồng bằng ăn không hết, làm mắm, làm khô cũng không hết phải đem đổ thành hố chỉ cách đây mới mấy thập kỷ thôi.

Ngày nay, đã có hệ thống giao thông, hệ thống bảo quản tốt, cùng với nguồn thủy sản thiên nhiên và thêm cả kỹ thuật canh tác nuôi trồng, thì vùng đất này sẽ tạo ra nguồn lợi vô cùng to lớn.

Câu chuyện cứ như một giấc mơ, nhưng Hai Lúa tui tin, nếu chúng ta định hướng đúng thì có thể một ngày nào đó những giấc mơ đẹp sẽ trở thành sự thật!

Hailua@.com