Thay đổi nhận thức để tạo ra thực phẩm sạch

Cập nhật, 14:50, Thứ Sáu, 29/07/2016 (GMT+7)

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đảm bảo chất lượng thực phẩm tươi sống, các ngành, các cấp đã nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp quyết liệt.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại trong quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng... (Trong ảnh: Hoạt động dán chứng nhận sản  phẩm bún sạch tại Công ty cổ phần BJ&T, quận Bình Thủy).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại trong quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng... (Trong ảnh: Hoạt động dán chứng nhận sản phẩm bún sạch tại Công ty cổ phần BJ&T, quận Bình Thủy).

Nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng! Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo ra thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, ngành chức năng cần có những chế tài mạnh nhằm răn đe và xử lý các vi phạm sử dụng các loại chất cấm, thuốc kháng sinh trong quy trình sản xuất, chế biến… góp phần thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông thủy sản.

Để tạo ra bước đột phá, chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, giết mổ, chế biến, kinh doanh rau củ quả, thịt gia cầm, các cấp, các ngành đã và đang triển khai các chương trình hành động vì ATTP.

Trong đó, nhấn mạnh đổi mới công tác tuyên truyền vệ sinh ATTP, tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra giám sát ATTP của các cấp chính quyền, ban quản lý chợ, siêu thị, chợ đầu mối, khu du lịch, khu công nghiệp...

Đặc biệt, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch các xã, phường, thị trấn tại các quận, huyện trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các cơ quan công an, quản lý thị trường...

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến các mặt hàng nông thủy sản cần tiến hành ký cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành của Nhà nước, không sử dụng các loại chất cấm, thuốc kháng sinh,… từ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ.

Song song với công tác quản lý chất lượng ATTP của các cơ quan chức năng, điều quan trọng, để thúc đẩy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc tạo ra thực phẩm "sạch", các ngành hữu quan cần quan tâm tìm đầu ra ổn định, hỗ trợ giá bán hợp lý cho doanh nghiệp, nhất là các hộ nông dân sản xuất nông sản sạch tại các hợp tác xã….

Từ đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng thực phẩm sạch và an toàn, góp phần xây dựng uy tín và thương hiệu cho doanh nghiệp trên thị trường.

Thời gian qua, nhận thức của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về ATTP trong quy trình sản xuất chế biến và tiêu thụ đã được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp đã và đang chú trọng kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đầu ra trong quy trình sản xuất.

Song, để thực hiện những cam kết về ATTP của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ rất cần sự trợ lực từ các ngành chức năng trong việc hỗ trợ các chính sách vay vốn ưu đãi để các doanh nghiệp, các cơ sở có điều kiện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại đảm bảo quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, các ngành hữu quan cần đẩy mạnh các chương trình liên kết-sản xuất-tiêu thụ, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông thủy sản sạch; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mô hình quản lý chất lượng sản phẩm đảm bảo ATTP, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất đáp ứng đúng các yêu cầu tiêu chuẩn về ATTP của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần có xác nhận sản phẩm sản xuất sạch, an toàn thông qua "logo chứng nhận sản phẩm an toàn" để giúp người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn sản phẩm sạch, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, sức cạnh tranh thị trường.

Theo Cần Thơ Online