Giai đoạn 2016- 2020: Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc

Cập nhật, 13:43, Thứ Sáu, 29/07/2016 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thông tin như vậy trong hội nghị trực tuyến toàn quốc (hôm 15/7/2016) triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016- 2020.

Mục tiêu đề án nhằm xây dựng, phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trong hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Giai đoạn 2013- 2015, đề án này được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh- thành (TP: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh: Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Tiền Giang).

Thống kê chưa đầy đủ, 3 năm qua đã có 750 cán bộ y tế tại 5 địa phương được cử đi đào tạo về y học gia đình, 240 phòng khám BSGĐ được thành lập tại 6 địa phương và hầu hết đều gắn với các cơ sở y tế công lập (bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế) nên có thực hiện thanh toán BHYT trong khám chữa bệnh.

Vĩnh Long hiện có 25 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cấp I y học gia đình, trong đó 15/25 bác sĩ đang công tác tại trạm y tế. Tuy nhiên, tỉnh chưa có bác sĩ đào tạo sơ bộ về y học gia đình. Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch mô hình điểm và phát triển nhân rộng phòng khám BSGĐ trên địa bàn, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai.

MINH THÁI