Xây dựng ý thức, thói quen chấp hành luật lệ giao thông

Cập nhật, 05:29, Thứ Năm, 24/12/2015 (GMT+7)

Từ lâu, vấn đề an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đã trở thành nỗi lo thường trực của các ngành chức năng, ban giám hiệu các trường và các bậc phụ huynh.

Học sinh điều khiển xe đạp lấn hết cả Đường tỉnh 909.
Học sinh điều khiển xe đạp lấn hết cả Đường tỉnh 909.

Thực trạng giờ tan học

Đường tỉnh 909, đoạn qua xã Hậu Lộc (Tam Bình) có lưu lượng xe và người lưu thông hàng ngày khá lớn, lại tập trung cùng lúc 4 trường học: Trường Mẫu giáo Cái Ngang, Trường Tiểu học Cái Ngang, Trường THCS Cái Ngang, Trường THPT Phan Văn Hòa nên chuyện kẹt xe, tắc đường trước cổng trường sau giờ tan học đã trở thành một hình ảnh khá quen thuộc.

Chú La Văn Mỹ làm nghề chạy xe ôm hay đón khách ngay ngã ba Hậu Lộc, ngao ngán nói: “Giờ tan học ngày nào mà không vậy, nhìn riết quen rồi. Tụi nhỏ tụ tập chạy xe giăng kín luôn con đường, bóp kèn hoài vậy chứ đời nào nó chịu tránh. Cũng may là đường này ít xe lớn chứ không chẳng biết ra làm sao luôn”. Chị Thu Thắm bán quán gần đó tiếp lời: “Vậy không đó, bít hết lộ, dân ở đây quen rồi nên cứ qua đoạn này là họ chạy xe chậm lại nên cũng đỡ”.

Trường THPT Vĩnh Long, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa nằm trên tuyến đường Phạm Thái Bường (Phường 4- TP Vĩnh Long) cũng tương tự. Thêm vào đó đây là tuyến đường chính vào thành phố nên người xe qua lại rất đông đúc. Chị Sáu Hương (Phường 4) cho biết: “Tan học là đông lắm, học sinh tan học đứng chờ bạn dưới lòng đường vậy đó. Giờ tụi nó đi học sướng lắm, đi xe xịn, tay ga chứ xe thường hổng đi đâu. Xe toàn gửi bên ngoài hết”.

Chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn cảnh sát giao thông (CSGT) đi tuần tra trên tuyến đường Phạm Thái Bường (Phường 4) dù đã quá giờ tan học. Thế mà chỉ trong 15 phút, CSGT đã xử lý 4 trường hợp vi phạm, các lỗi thường gặp phải là không mang giấy tờ xe, không có giấy phép lái xe, xe không có bảo hiểm,… và “đẩy” xe bạn đi cùng chiều.

Vậy các em học sinh thì nói gì về ATGT giờ tan học và việc đi xe phân khối lớn đến trường? Câu trả lời chúng tôi nhận được rất ngắn gọn: “Em thấy bình thường. Các bạn có xe thì các bạn đi thôi”. Còn lúc đã bị CSGT bắt giữ và lập biên bản, các em vẫn không nhận lỗi của mình và còn viện đủ lý do: nào là nhà xa quá nên đi xe máy thôi, nào là ba mẹ bận không ai đưa rước nên emlái xe đi học,…”. Và khi chúng tôi đặt vấn đề đi học bằng xe 50 phân khối, một em nhanh nhảu đáp “còn có vài tháng nữa là em đủ tuổi rồi”, em khác lại bảo “tập đi xe này cho quen để bữa sau thi bằng lái,…”.

Thực tế trên cho thấy, vấn đề đảm bảo ATGT cũng như học sinh đi xe phân khối lớn vẫn chưa được thực hiện triệt để. Và nguyên nhân chỉ được gói trọn trong 2 từ “ý thức”.

Giáo dục ý thức là chính

Tranh biếm họa tuyên truyền ATGT của Trường THPT Bình Minh.
Tranh biếm họa tuyên truyền ATGT của Trường THPT Bình Minh.

Khi mà nhận thức của các em không có hoặc có nhưng vẫn cố phớt lờ bởi tính “học đòi” của tuổi mới lớn thì việc đảm bảo ATGT học đường sẽ không thể đạt kết quả cao nhất. Bởi vậy, việc giáo dục ý thức là cực kỳ quan trọng và được đặt lên hàng đầu tại nhiều điểm trường trên địa bàn tỉnh.

Đến nhiều điểm trường, chúng tôi nhận thấy rõ các trường đều rất chú trọng công tác tuyên truyền trong sinh hoạt dưới cờ, dán băng rôn áp phích ở những nơi thoáng tầm nhìn để các em dễ dàng đọc được hay tổ chức nhiều cuộc thi tuyên truyền ATGT, vẽ tranh biếm họa, bắt buộc học sinh và phụ huynh ký cam kết với nhà trường nhằm đảm bảo “học sinh phải giữ an toàn cho mọi người cũng như chính bản thân mình khi đang lưu thông trên đường và tuyệt đối không được đi môtô”.

Ông Đỗ Thành Thụy- Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh cho biết: “Do Trường THPT Bình Minh nằm sát QL nên trường rất quan tâm đến giáo dục ATGT cho các em, trường kết hợp với CSGT tỉnh tuyên truyền ATGT dưới cờ 2 lần trong năm học, thứ 2 hàng tuần sinh hoạt dưới cờ. Bên cạnh đó, trường cũng xử phạt thật nghiêm để răn đe các em bằng cách phối hợp với CSGT “bắt” học sinh vi phạm luật ATGT và gửi giấy báo về trường để hạ hạnh kiểm yếu trong học kỳ đó”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các khẩu hiệu về ATGT của trường, ông Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long còn cho biết thêm: “Đầu năm học, các em sẽ đăng ký với trường đi học bằng phương tiện gì để giáo viên chủ nhiệm nắm, đăng ký bảng cam kết ATGT. Ngoài ra, trường có tổ chức rung chuông vàng về ATGT để giáo dục ý thức cho học sinh, từ đó các em sẽ biết cách biến nó thành hành động thực tiễn.”.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ- Công an tỉnh cho biết: “Hiện, Phòng CSGT tỉnh vẫn đang kết hợp với các trường tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm Luật ATGT khi tham gia giao thông, phát tập có in biển báo hình thức xử phạt trực quan sinh động. Khi tuần tra, chúng tôi vẫn phát hiện các trường hợp vi phạm của học sinh như chạy xe không đúng tuổi quy định, không mang theo giấy tờ xe, không giấy phép lái xe… nhưng chủ yếu là tuyên truyền giáo dục là chính, rất ít khi xử lý vì các em còn nhỏ. Việc hướng dẫn để các em hiểu luật là rất cần”.

Mặc dù, nhà trường và cơ quan chức năng đã tuyên truyền giáo dục ATGT các em rất quyết liệt nhưng vẫn còn một số em không có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, cần nhiều hơn nữa sự kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của nhà trường và cơ quan chức năng, gia đình và xã hội chung tay trong việc tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh, bởi tiềm ẩn sau những vi phạm đó là rủi ro khó đong đếm đối với sức khỏe của chính con em mình.

Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU