Thanh Bình- hứa hẹn một vùng quê trù phú

Cập nhật, 05:23, Thứ Tư, 23/12/2015 (GMT+7)

Thanh Bình là xã “đò giang cách trở” được huyện Vũng Liêm chọn làm một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011- 2015. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay Thanh Bình đã nỗ lực thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí và được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Đây là điều kiện quan trọng để xã cù lao này phát triển nhanh hơn trong giai đoạn mới.

Nhà khang trang như nhà của ông Đoàn Văn Thay ở ấp Bình Thủy ngày càng nhiều hơn ở xã cù lao Thanh Bình.
Nhà khang trang như nhà của ông Đoàn Văn Thay ở ấp Bình Thủy ngày càng nhiều hơn ở xã cù lao Thanh Bình.

Những ngày gian khó đã qua

Cách đây hơn 3 năm, tức sau hơn một năm bắt tay vào xây dựng xã NTM, BCĐ Xây dựng NTM xã Thanh Bình vẫn còn lúng túng khi phải triển khai thực hiện các tiêu chí và bị đứng cuối bảng xếp hạng trong 22 xã điểm ở thời điểm đó. Bởi tiêu chí quy hoạch xã NTM của Thanh Bình có những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Được sự góp ý của BCĐ Xây dựng NTM tỉnh, sau đó huyện có bước điều chỉnh cho Thanh Bình, nhất là tiêu chí về giao thông, thủy lợi. Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- Nguyễn Văn Nhanh cho biết: Cũng như các xã xây dựng NTM khác, Thanh Bình thực hiện phương châm “Tiêu chí dễ cần ít vốn, vận động nhân dân làm trước, tiêu chí khó cần đầu tư nhiều vốn thực hiện sau”.

Nhờ có sự quyết liệt tập trung chỉ đạo của huyện và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, tiêu chí đạt được tăng dần từng năm. Đến năm 2014, Thanh Bình đã thực hiện hoàn thành 13/19 tiêu chí, 6 tiêu chí còn lại cũng đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, nên BCĐ xã giữ vững là xã trong diện hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm 2015.

BCĐ Xây dựng NTM xã Thanh Bình nhớ lại: Cái khó của Thanh Bình không thể quên trong quá trình thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí 4 “điện” nông thôn. Với địa bàn cách trở, việc đưa điện về với Thanh Bình trước đây đã lắm nhiêu khê. Và do đặc điểm vốn có của xã cù lao, địa bàn rộng, dân cư ở phân tán theo đất vườn, nên việc kéo điện đến từng nhà là rất khó khăn, chi phí lại cao.

Khi bắt đầu xây dựng NTM, Thanh Bình vẫn còn là một trong các xã có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn rất thấp (khoảng 73%). Đến hết năm 2012, xã mới nâng số hộ sử dụng điện kế chính lên gần 80%, và năm 2013 nỗ lực vượt khó, 600 hộ dân còn lại phần lớn là hộ khó khăn ở rải rác khắp 12 ấp mới được tháo gỡ về điện kế chính an toàn.

Tính chung, tổng số tiền do dân đóng góp để hoàn thành tiêu chí số 4 của Thanh Bình đợt cuối này là trên 6 tỷ đồng trong thời gian chưa đầy 1 năm.

Đầu năm 2015, Thanh Bình tiếp tục đăng ký thực hiện hoàn thành 6 tiêu chí còn lại cần đầu tư nhiều vốn là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư và môi trường. Nhờ tích cực vận động nhân dân sẵn sàng hiến đất bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, được trên hỗ trợ kinh phí kịp thời, đến cuối năm này Thanh Bình đã hoàn thành 51% đường liên ấp đạt chuẩn NTM; trên 8.000m đường liên xóm được rải đá cấp phối đạt chuẩn 100%.

Gần 55% cống, đập được kiên cố hóa đảm bảo cho sản xuất và dân sinh. Các công trình trường học, nhà văn hóa triển khai xây dựng sắp hoàn thành; nhà ở dân cư được kiểm tra công nhận đạt chuẩn năm 2015. Tiêu chí môi trường cũng được đoàn kiểm tra đánh giá 5 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn và kết luận Thanh Bình đã đạt tiêu chí môi trường năm 2015.

Hứa hẹn một vùng quê trù phú

Điện về xã cù lao Thanh Bình rất có ý nghĩa trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Điện về xã cù lao Thanh Bình rất có ý nghĩa trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Xuôi theo con đường láng nhựa liên ấp Thới Bình- Thanh khê- Cái Dứa- Bình Thủy đã thấy rõ sự đổi thay nhanh chóng của một xã cù lao. Các nhánh rẽ vào từng xóm cũng được đan hóa hoặc rải đá cấp phối đảm bảo cho việc đi lại thuận tiện dễ dàng. Đường mở đến đâu, điện, nước, viễn thông phát triển theo đến đó.

Nhà cửa của người dân toàn tuyến giao thông và ẩn hiện trong nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả đã, đang và sắp mọc lên những ngôi nhà tân thời xinh xắn.

Ông Dương Văn Săng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình đưa chúng tôi đi thực tế để cảm nhận sự đổi mới từng ngày của Thanh Bình. Đi một đoạn, ông lại chỉ vào phía bên phải nói: “Nhà của ông B. đang được thực hiện phần việc cuối để hoàn thiện”; “Chỗ miếng đất trống bên trái đường kia của anh H. đang chờ qua tết được tuổi sẽ xây nhà!”

Ghé thăm nhà Bí thư, kiêm Trưởng ấp Bình Thủy Nguyễn Văn Dũng. Ông thông tin vui: “Bà con ở đây năm nay tiếp tục khá lên nhờ thu nhập từ cây bưởi Năm Roi và bưởi da xanh một phần diện tích đã cho thu hoạch; gần 30 hộ tiếp tục kinh doanh cây lác năm nay cũng có thu nhập khá. Tính ra thu nhập bình quân cả năm đối với bà con ở ấp Bình Thủy và các ấp lân cận đạt trên 30 triệu đồng/ người trong năm nay là không khó”.

Thăm gia đình ông Đoàn Văn Thay ở ấp Bình Thủy. Ông khoe: “Khi con đường này mở rộng tráng nhựa là tui sắm xe liền!” Chiếc xe 16 chỗ của ông sắm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương khi có yêu cầu với giá phải chăng. “Tui mê có nó từ lâu nhưng do đường sá khó khăn, bây giờ thuận lợi lắm. Chỉ cần qua đò sang Bến Tre chạy hơn một giờ là đã tới TP Hồ Chí Minh”.

Đến thăm ông Võ Văn Tịch ở ấp Cái Dứa, vườn bưởi Năm Roi và bưởi da xanh đang cho thu hoạch của ông lại càng cuốn hút chúng tôi. Bởi cây nào cũng xanh tươi trĩu quả. Một phần trái chín tới đợt thương lái vừa hái xuống chuẩn bị chuyển đi. Ông Tịch cho biết: “Tôi có hơn 5 công bưởi da xanh và Năm Roi đều đã cho thu hoạch, bán giá 15.000 đ/kg với bưởi Năm Roi và trên 50.000 đ/kg bưởi da xanh. Thu nhập năm nay khá à!”

Theo ông Điều Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, với điều kiện hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn phát triển như hiện nay, cộng với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển diện tích trên 600ha vườn cây ăn trái (chủ lực là sầu riêng, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh) mà nếu được giá như hiện nay thì việc thu nhập cho người dân Thanh Bình đạt 45 triệu đồng/ người/ năm vào năm 2020 sẽ có nhiều hứa hẹn.

Phát huy triển vọng này, BCĐ Xây dựng NTM xã đã và đang liên kết với các trung tâm nghiên cứu, Viện Cây ăn quả Miền Nam và các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long để người dân Thanh Bình có đủ điều kiện phát triển và làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.

Khoa học kỹ thuật được chuyển giao áp dụng vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân- là một trong những kinh nghiệm quý được BCĐ Xây dựng NTM xã Thanh Bình duy trì và phát huy.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT