ĐÓNG GÓP DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 VÀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tam Bình thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch

Cập nhật, 08:01, Thứ Năm, 28/02/2013 (GMT+7)

Bài, ảnh: AN- QUYÊN

Theo ông Trần Tấn Hiện- Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Tam Bình- Tổ phó Tổ thư ký giúp việc BCĐ huyện, Tam Bình đã hoàn thành triển khai, lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc các đơn vị cơ quan, phòng, ban tuyến huyện.

Việc lấy ý kiến đóng góp vẫn đang được thực hiện tại các đơn vị tuyến xã- thị trấn. Nhìn chung, công tác tổ chức thực hiện lấy ý kiến được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch.

Hình thức tổ chức lấy ý kiến đa dạng như: hội nghị, họp chuyên đề, thảo luận, tọa đàm, đóng góp qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài các đóng góp chung cho 2 dự thảo trên, BCĐ còn gợi ý các nội dung đóng góp từng lĩnh vực có căn cứ pháp lý và thực tiễn đối với ngành công tác. Trong đó, nhiều ý kiến rất thiết thực, đi vào thực tế cuộc sống.

Hiện nay, BCĐ huyện đang tổng hợp các ý kiến đóng góp và các ngành, cấp xã, báo cáo về BCĐ huyện chậm nhất đến hết ngày 2/3. Đồng thời, tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của người dân đến ngày 27/3.

Tại xã Mỹ Thạnh Trung, ngày 26/3, đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp 2 bản dự thảo. Ông Nguyễn Văn Quận- Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: xã đã thành lập BCĐ gồm các thành viên là cán bộ chủ chốt, bí thư, trưởng ấp ở 11 ấp; hiệu trưởng các trường. Ngoài triển khai tại UBND xã, còn triển khai lấy ý kiến nhân dân ở 11 ấp; 4 điểm trường.

Mục đích là phải làm sao để người dân tự tin, mạnh dạn đóng góp cho 2 dự thảo này, bỏ đi tâm lý các chuyên gia đã xây dựng, soạn thảo hoàn chỉnh, mình đóng góp sẽ không được chú ý. BCĐ đã “đả thông” tư tưởng là người dân có ý kiến sát cuộc sống, nghĩ gì thì cứ nói, BCĐ sẽ ghi nhận chính xác ý kiến của nhân dân trình lên trên.

Với quyết tâm này, qua các buổi lấy ý kiến, ông Quận đánh giá: “Đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ công chức xã, giáo viên. Tới đây, sẽ tiếp tục triển khai lấy ý kiến tại các trụ sở ấp với sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân”.

Chúng tôi xin trích lược một số ý kiến đóng góp tại hội nghị đóng góp ý kiến ở xã Mỹ Thạnh Trung:

- Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Trung- Nguyễn Văn Quận:


Tôi tâm đắc nhất vấn đề bảo vệ quyền con người ở chương II, đã quy định cụ thể quyền của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ngoài ra, chương IX đã có những quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Chính quyền địa phương.

Qua đó, thể hiện đầy đủ, chặt chẽ vai trò Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhưng tôi có chút băn khoăn, khi trước đây UBND thì do HĐND bầu, còn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND nhưng không thể hiện rõ UBND là do HĐND bầu ra.

Đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quyền sử dụng đất, quyền được cho thuê, chuyển nhượng, cho tặng,… những nội dung này tôi tâm đắc vì đã quy định rõ quyền sử dụng đất khi được Nhà nước giao, cho thuê.

Riêng nội dung Nhà nước cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, tôi thấy có điểm chưa hợp lý khi thời hạn thuê đất sau thời gian 24 tháng mà doanh nghiệp này chưa hoàn thành cơ sở vật chất để hoạt động thì Nhà nước sẽ thu hồi hoàn toàn phần đất cùng cơ sở vật chất được xây dựng trên phần đất đó thì chưa thỏa đáng, có thể làm nhà đầu tư ngán ngại.

Nhà nước cho thuê đất để xây dựng các công trình thì quy định phải bốc lớp mặt đất đó, sau khi hoàn thành công việc phải trả lại hiện trạng như ban đầu tôi thấy cũng không hợp lý và khó thực hiện.

- Cô Nguyễn Thị Bích Tiên- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thạnh Trung:

Tôi đã đọc, nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hơn 3 ngày và cảm thấy dự thảo đọc dễ hiểu, rõ ràng, sát thực tế cuộc sống, dễ tiếp thu và dễ đi vào lòng người dân.

Theo tôi, ở Điều 31, khoản 2: cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần thêm vào cụm từ “và có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi, bí mật cho người khiếu nại tố cáo”.

Điều 34, khoản 1 cần bổ sung: Mọi người có quyền tự do kinh doanh hợp pháp chứ không nên nói chung chung như dự thảo là: Mọi người có quyền tự do kinh doanh. Còn khoản 2 cũng thêm từ “hợp pháp” là Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh hợp pháp.

Điều 44 thêm cụm từ “gìn giữ, bảo vệ, phát huy” để “mọi người có quyền hưởng thụ, gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”. Điều 47 cần quy định rõ hơn công dân phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất và phải bị nghiêm trị theo pháp luật.

Điều 48 cần quy định “Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Điều 50 cần quy định rõ hơn “Mọi người (gồm những người nào) có nghĩa vụ nộp thuế”.

*Đại biểu Phạm Văn Khanh (Thượng tọa Thích Phước Hạnh, đơn vị TP Vĩnh Long)- Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long:

Điều 25, khoản 1, tôi góp ý “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc tự do không tín ngưỡng tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Khoản 2, tôi góp ý: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật công nhận và bảo hộ”.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định về việc tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong đó có các tôn giáo tham gia thực hiện nghĩa vụ và được tạo điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ được quy định ở 2 Điều 9 và Điều 119: Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Riêng điều này tôi đề nghị có những quy định cụ thể hơn trong việc tạo điều kiện cho tất cả tôn giáo trong đó có Phật giáo có điều kiện được cung cấp thông tin, được mời tham dự các hội nghị mở rộng của HĐND và UBND khi bàn về những vấn đề liên quan.

Qua đó, lắng nghe ý kiến của các tôn giáo để tạo điều kiện cho tất cả các tôn giáo, trong đó có Phật giáo được tham gia hoàn thành tốt nghĩa vụ của một công dân Việt Nam trên đất nước Việt Nam và được quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, được tạo điều kiện để nói lên tiếng nói của các tôn giáo, để tham gia đóng góp xây dựng quê hương đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh và phát triển.

*Cô Trần Thị Tiến- Hiệu trưởng Trường Mầm non A (Phường 1- TP Vĩnh Long):

Theo tôi, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra xin ý kiến toàn dân là rất phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế. Việc làm này có tầm quan trọng rất lớn, đáp ứng được nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân chúng ta.

Hai là, qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, trên thực tế, tôi xin đề nghị Ủy ban soạn thảo nên bổ sung một số cơ sở pháp lý về chủ quyền biển, đảo, trong đó phải khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào trong Hiến pháp.

THÚY QUYÊN- TRẦN ÚT (ghi)