Nói không với những điều "chưa đẹp"

Cập nhật, 13:36, Thứ Sáu, 13/05/2022 (GMT+7)

 

Bạn trẻ nên thường xuyên đọc sách báo để làm giàu kiến thức. Ảnh minh họa
Bạn trẻ nên thường xuyên đọc sách báo để làm giàu kiến thức. Ảnh minh họa

(VLO) Trong khi nhiều bạn trẻ cố gắng phấn đấu trong học tập, sống có trách nhiệm, có ích cho xã hội, thì hiện vẫn có không ít người trẻ thích sống ảo, ích kỷ, chạy theo những trào lưu vô bổ…

Những điều “chưa đẹp”

“Có một bộ phận giới trẻ bây giờ nhiều thói hư, tật xấu lắm”- chị Trần Mai Hạnh (Phường 9- TP Vĩnh Long) nhận xét như thế. Theo chị, xung quanh có không ít bạn trẻ sa đà ăn chơi, lao vào cuộc sống buông thả, đắm mình trong thế giới ảo mà dần đánh mất chính mình.

“Qua xem tin tức thời sự từ báo đài, tôi thấy không ít vụ việc liên quan đến giới trẻ. Điều đáng nói nhất là chuyện học sinh bạo lực học đường, đua đòi vật chất rồi cùng bạn bè gây án. Thậm chí, nhiều trường hợp rơi vào nghiện ngập, cạm bẫy tệ nạn xã hội…”- chị trăn trở.

Bên cạnh những cái “được” dễ thấy của các bạn trẻ ngày nay là có tri thức, tư duy sáng tạo, nhạy bén với cuộc sống xung quanh, tiếp thu nhanh những cái mới... thì cũng có những hành vi đáng phê phán.

Chẳng hạn như ở công viên, quán cà phê… không ít bạn trẻ ăn mặc đẹp lại có những kiểu ngồi hợm hĩnh, nói năng văng tục lớn tiếng, những hành động nhằm thể hiện “đẳng cấp”, tuy nhiên lại khiến những người xung quanh vô cùng khó chịu.

Hay ở những nơi công cộng dù có bảng cấm hút thuốc nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ vẫn cố tình phớt lờ “phì phèo nhả khói” bất chấp mọi ánh mắt xung quanh đang nhìn.

Rồi đến những hình ảnh khó coi rất dễ bắt gặp trên các con đường giao thông như lạng lách, đánh võng, chạy nhiều hàng chen lấn, chạy quá tốc độ, bấm còi, hú ga, từ gây phiền hà cho mọi người xung quanh cho đến vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông…

Anh Nguyễn Thiện Quân (phường Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trên các diễn đàn xã hội và ngay cả ngoài đời, tôi bắt gặp không ít hình ảnh hotgirl ăn mặc “hở trước hở sau”, cùng vô số những lời văng tục, chửi thề, đánh nhau. Và những hành động ấy có vẻ như đã trở thành một thói quen mất rồi”.

Còn theo bạn Quỳnh Anh (Phường 4- TP Vĩnh Long) thì cho rằng: Có một bộ phận người trẻ có lối hành xử thiếu văn hóa, thích thể hiện “cái tôi” quá mức mà phớt lờ, bỏ lại phía sau những việc làm văn minh, tốt đẹp. “Hôm bữa mình đi quán cà phê định nói chuyện với bạn bè.

Ai ngờ vào quán bắt gặp mấy thanh niên vừa hút thuốc mà lại còn chửi thề nữa chứ. Bức xúc quá nên mình đi chỗ khác. Ở quán xá đông người mà có thái độ như thế, mình thấy xấu hổ dùm cho các bạn ấy quá”- Quỳnh Anh chia sẻ.

Nói không với “cái xấu”

Theo bạn Trần Mỹ Linh- sinh viên năm 4, có nhiều lý do khiến nhiều người trẻ để lại hình ảnh chưa đẹp như vô lễ với người lớn, cư xử không hòa nhã. Một số sa ngã vào tệ nạn xã hội, nghiện game, sống ảo trên mạng...

Có rất nhiều bạn trẻ tự biến mình trở nên “xấu xí”, nhưng cũng có trường hợp hư hỏng là do hoàn cảnh. Mỹ Linh kể: “Em có người bạn thân, cha mẹ đi làm ăn không có thời gian quan tâm nên gần đây bạn thường hay tụ tập ăn chơi lêu lỏng. Nếu được cha mẹ quan tâm, lắng nghe “nỗi lòng” thì có thể bạn em sẽ không như vậy”.

Các hoạt động xã hội góp phần xây dựng lối sống đẹp, có trách nhiệm cho bạn trẻ .
Các hoạt động xã hội góp phần xây dựng lối sống đẹp, có trách nhiệm cho bạn trẻ .

Quả thật, có không ít bạn trẻ “mất điểm” đối với mọi người xung quanh, song những người trẻ sống đẹp bây giờ vẫn rất nhiều.

Đó là các bạn trẻ không ngại vất vả đưa đón thí sinh vào mỗi mùa thi; nhiều trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa công tác; sinh viên tình nguyện xây cầu, sửa chữa nhà, hiến máu cứu người. Trong khi tình hình dịch COVID-19 căng thẳng, hàng ngàn bạn trẻ tỉnh nhà chẳng ngại bị lây nhiễm bệnh, sẵn sàng tham gia cùng lực lượng tuyến đầu truy vết, trực chốt; còn có không ít bạn trẻ hăng say hỗ trợ cho công tác hậu cần cùng góp sức chung tay “đánh bay” dịch bệnh…

Để không bị “mang tiếng xấu”, nhiều bạn trẻ cho rằng mỗi người phải sống đúng chuẩn mực đạo đức, trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về lòng thương người, biết sống sẻ chia. “Hãy thường xuyên đọc sách báo để làm giàu kiến thức, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và xây dựng cho mình lối sống lành mạnh… Có như thế mình mới tốt lên được”- bạn Đỗ Thị Hồng Ngọc, sinh viên năm 2, chia sẻ.

Giới trẻ ngày nay được phát triển trong điều kiện khá tốt, nhưng điều tích cực cũng nhiều mà việc tiêu cực cũng không ít. Chính vì thế, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế để ngăn chặn cái xấu từ xa, trước khi nó hình thành và phát triển, để cảnh giác hơn đối với những cạm bẫy đang giăng.

Theo cô Lưu Thị Yến Như- giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông, cần phải có sự chung tay từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

Cô Yến Như cho rằng: Phụ huynh, giáo viên, người thân hãy là “những người đồng hành” với các bạn trẻ. Người lớn phải quan tâm tới con cái. Nhà trường giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em, tạo môi trường giáo dục năng động, tích cực để các em có thể phát triển toàn diện cả về trí tuệ, tinh thần, đáp ứng được yêu cầu của thời đại...

Nói không với “cái xấu”, bên cạnh sự quan tâm, giáo dục nhiều hơn nữa của gia đình, nhà trường và xã hội, tự thân mỗi bạn trẻ phải có ý thức xây dựng, tạo thói quen, cách sống có văn hóa, trách nhiệm, nghĩa tình. Và hơn hết, mỗi cá nhân phải có quyết tâm muốn thay đổi chính mình để ngày một tốt hơn…

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY