Đồng chí Phạm Hùng trên đất thiêng Côn Đảo

Cập nhật, 14:10, Thứ Bảy, 08/06/2024 (GMT+7)

 

Du khách đến thăm không gian tái hiện nhà tù với những công cụ tra tấn phi nhân tính.
Du khách đến thăm không gian tái hiện nhà tù với những công cụ tra tấn phi nhân tính.

Suốt 113 năm, Côn Đảo từng được ví là “địa ngục trần gian”, nơi giam cầm hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam yêu nước. Về thăm Côn Đảo hôm nay, giữa trùng dương thăm thẳm, chúng tôi lưu vào trong tim mình cả nỗi đau lẫn niềm tự hào về những bậc tiền nhân, về chí khí ngút trời của những con người coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”. Bao người con Vĩnh Long cũng đã bị giam cầm, đã chiến đấu vì đất nước thanh bình hôm nay.

Trong đó, đồng chí Phạm Hùng từng trải qua 12 năm ngục tù trên Côn Đảo. Câu chuyện kể lại về người con của đất Vĩnh Long như thước phim để chúng tôi ngược dòng quá khứ, tận mắt chứng kiến những mất mát, đau thương nhưng rất đỗi tự hào, thấm thía bài học vượt qua muôn vàn thử thách, bài học về phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Người chiến sĩ bất khuất, kiên trung

Gần 15 năm bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, từng bị kết án tử hình nhưng được giảm án và đồng chí Phạm Hùng bị đày ra Côn Đảo. Năm 1932, đồng chí Phạm Hùng bị giam ở Khám số 7, trại Phú Hải cùng với nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú khác như: Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương…

Trải qua hơn 12 năm ở “địa ngục trần gian”, bác Hai Phạm Hùng tô thắm thêm khí tiết của người con đất Vĩnh kiên trung. Có biết bao câu chuyện về người tù chính trị Phạm Hùng, người có sức mạnh đoàn kết một tập thể tù chính trị, có cả một quá khứ hào hùng ở khám lớn.

Mỗi lần đến Côn Đảo, tham quan nhà tù, chị Nguyễn Minh Nguyệt (TP Vĩnh Long) xúc động: “Chúng tôi hòa vào dòng người đi qua các khu trại giam, biệt giam và qua lời của thuyết minh viên không khỏi rùng mình chuyện tù nhân phải chịu đựng những hình thức tra tấn dã man. Khám số 7, Di tích trại Phú Hải là nơi được chúng tôi quan tâm đặc biệt, nơi đây đã giam giữ cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Ông tỏ rõ tinh thần thép của một đảng viên cộng sản”.

Không gian tái hiện Khám số 7 nóng bức, ngột ngạt, du khách không khỏi rợn người trước gông cùm và những công cụ tra tấn phi nhân tính. Chị thuyết minh viên kể, bác Hai Phạm Hùng luôn là người dẫn đầu trong các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù.

Sổ tù đày của đồng chí Phạm Hùng chi chít những dấu chấm đỏ vì mỗi lần địch đàn áp tù nhân trong khám, bác Hai luôn là người “đứng mũi chịu sào”, chấp nhận đòn roi của kẻ thù để bảo vệ những bạn tù bị ốm đau, bệnh tật trong đó có cả bác Tôn Đức Thắng, bác Lê Duẩn. Sự gan dạ, tinh thần bất khuất nổi tiếng của đồng chí đã làm cho giám thị trại giam phải nể phục.

Chính nhờ các cuộc đấu tranh, đồng chí Phạm Hùng đã lôi kéo được một lực lượng đông đảo tù thường phạm tham gia đấu tranh bảo vệ quyền lợi của tù nhân. Đồng chí Phạm Hùng còn là người đưa ra chủ trương xuất bản tờ “Tiến lên” để cùng với tờ “Ý kiến chung” trở thành tiếng nói đanh thép của những người tù chính trị ở Côn Đảo lúc bấy giờ.

Sau khi được bổ sung vào Chi ủy Chi bộ nhà tù Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, giảm nhẹ khổ sai. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã buộc bọn cai ngục phải giải quyết cho tù nhân mỗi tuần được ăn 2 bữa thịt, được nhận thư và bưu kiện của gia đình. Chế độ lao động và sinh hoạt được cải thiện giúp sức khỏe các tù nhân được tăng lên rõ rệt.

Cuối năm 1941, đồng chí Phạm Hùng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ của đảo, với quyết tâm: “Chỉ có đấu tranh mới giành thắng lợi”. Với tinh thần “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhiều năm với cương vị là Bí thư Đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã tích cực cùng Chi ủy Nhà tù tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý luận cách mạng, tinh thần và ý chí chiến đấu trong các chiến sĩ cộng sản đang bị giam giữ, góp phần đào tạo cán bộ cho cách mạng, cho Đảng trưởng thành ngay trong nhà tù.

Đồng chí Phạm Hùng bị giam ở Khám số 7, trại Phú Hải tại Côn Đảo.
Đồng chí Phạm Hùng bị giam ở Khám số 7, trại Phú Hải tại Côn Đảo.

Chớp thời cơ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trong đất liền, Bí thư Đảo ủy Phạm Hùng đã bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo tù nhân đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, giải phóng Côn Đảo, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.

Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cùng với hơn 2.000 tù chính trị Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng trở về đất liền tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Đại tướng Mai Chí Thọ trong bài viết “Phạm Hùng- Con người thép” từng viết: “Ở Côn Đảo, anh luôn luôn là một trong những người dẫn đầu các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Sự gan dạ, sức chịu đựng khủng bố, tính bất khuất nổi tiếng của anh đã làm cho bọn chúa ngục, giám thị phải nể sợ, anh em tù nhân mến phục”.

Trên đất thiêng Côn Đảo hôm nay

Thắp những nén nhang trên mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, bạn Nguyễn Nhật Hảo- Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, xúc động: “Thật biết ơn và rất đỗi tự hào vì em được đặt chân đến Côn Đảo. Những người cộng sản “dạ sắt gan đồng” đã không tiếc thân mình để đổi lấy hòa bình hôm nay. Là người con Vĩnh Long, khi nghe câu chuyện về bác Hai Phạm Hùng ở Côn Đảo, em càng thấy tự hào và sẽ cố gắng hơn nữa để học hành, đền đáp công ơn của bậc tiền nhân”.

Về thăm Côn Đảo, ông Nguyễn Bách Khoa- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, đã nói: Cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là một trong những người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, của dân tộc Việt Nam anh hùng; nhà hoạt động cách mạng kiên trung, lỗi lạc; vị lãnh đạo tài ba, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng đã để lại những tình cảm sâu nặng, lòng kính trọng, khâm phục của đồng chí, đồng bào. Tấm gương sáng ngời, ý chí anh hùng cách mạng của đồng chí Phạm Hùng và những người Việt Nam yêu nước, những chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Côn Đảo luôn nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ hiện nay giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tại Bảo tàng Côn Đảo, du khách tìm hiểu về những chiến sĩ cộng sản kiên trung từng bị giam ở đây.
Tại Bảo tàng Côn Đảo, du khách tìm hiểu về những chiến sĩ cộng sản kiên trung từng bị giam ở đây.

Trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bầu trời trong xanh, hàng cây bàng trăm tuổi nghiêng mình đón nắng. Côn Đảo hôm nay đã và đang trở thành một thiên đường du lịch thanh bình, yên tĩnh và xinh đẹp. Những bài học lịch sử còn lưu giữ trong từng thớ đất, con người, trong từng ngọn cỏ, cành cây. Thế hệ hôm nay và mai sau biết ơn, ghi nhớ và tôn vinh những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bài, ảnh: QUYÊN- THÚY