Vĩnh Long-vùng đất hội tụ những dòng chảy lịch sử văn hóa phương Nam

Cập nhật, 05:36, Thứ Bảy, 20/04/2024 (GMT+7)
Văn Thánh miếu (Phường 4, TP Vĩnh Long). Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Văn Thánh miếu (Phường 4, TP Vĩnh Long). Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
 
Tỉnh Vĩnh Long là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, trải qua gần 300 năm đã hình thành một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà. 
 
Đến nay, Vĩnh Long có 57 di tích cấp tỉnh, 12 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, vừa qua lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa-TT-DL, Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Kết tinh giá trị lịch sử văn hóa
 
Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: “Lễ hội truyền thống- Lễ hội Văn Thánh miếu TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long” và “Nghệ thuật trình diễn dân gian- Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long”.
 
Lịch sử hình thành Văn Thánh miếu Vĩnh Long, trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp. Năm 1862, sĩ phu các tỉnh: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường rầm rộ “tỵ địa” về Vĩnh Long. Quan Đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông khởi xướng xây dựng Văn Thánh miếu Vĩnh Long, tại làng Long Hồ. Công trình khởi công từ mùa đông năm 1864 và hoàn thành vào mùa thu năm 1866. 
 
Sau khi hoàn thành, giới quan lại sĩ phu đã thành lập hội Văn Thánh miếu để trông nom gìn giữ, tế tự. Văn Thánh miếu Vĩnh Long là thiết chế văn hóa chính thống của triều đình Huế, mang tính “Bác học quan phương”, Xuân Thu nhị kỳ tế lễ theo điển lễ triều đình. Tuy nhiên, nơi đây chỉ diễn ra lễ Xuân đinh đúng điển lễ vào năm 1866. Năm 1867, chiếm Vĩnh Long xong thực dân Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh Tham biện nên có ý định phá Văn Thánh miếu. Bằng sự anh minh của Nhân dân nên đã giữ lại được công trình văn hóa quan trọng này. 
 
Văn Thánh miếu được Bộ Văn hóa- Thông tin quyết định công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25/3/1991. Các dịp lễ hội ở nơi đây do Hội Chấn hưng Văn Thánh miếu trước kia và sau này là Ban Quản lý di tích Văn Thánh miếu cùng người dân địa phương tổ chức. Tuy lễ nghi phần nào dân gian hóa, mang ảnh hưởng lễ hội đình làng nhưng cốt lõi vẫn đảm bảo tính trang nghiêm theo chuẩn mực truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng và có giá trị to lớn về mặt lịch sử- văn hóa.
 
Hàng năm, trong các dịp lễ hội Văn Thánh miếu người dân Vĩnh Long và các tỉnh lân cận, từ TP Hồ Chí Minh về đây để tưởng nhớ tiền nhân hữu công; bày tỏ niềm tự hào về truyền thống văn hóa của vùng đất được mệnh danh “Địa linh sinh nhân kiệt”.
 
Về “Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long”, là bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo, tiêu biểu của dân tộc. Nghệ thuật Hát bội gắn liền với tín ngưỡng thờ Thần Thành Hoàng Bổn cảnh. Hát bội đã ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm của người dân Vĩnh Long qua nhiều thế hệ.
 
“Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long” vẫn rất được yêu mến và vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng những người mộ điệu.
“Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long” vẫn rất được yêu mến và vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng những người mộ điệu.
Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng các thế hệ nghệ nhân hát bội ở Vĩnh Long không ngừng nỗ lực lao động sáng tạo nghệ thuật để giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật quý báu, độc đáo của cha ông đã dày công sáng tạo, trao truyền. Đến nay Vĩnh Long vinh dự, tự hào được Chủ tịch nước phong tặng: 43 nghệ nhân ưu tú, trong đó có 8 nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình hát bội. Đây là những “Bảo vật nhân văn sống” và sẽ sống mãi trong lòng người mộ điệu. 
 
Những năm gần đây các gánh hát bội ở Vĩnh Long thường xuyên tham gia trình diễn tại các lễ hội đình làng, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong, ngoài tỉnh, ở TP Hồ Chí Minh. Các gánh hát bội, các nghệ nhân hát bội Vĩnh Long đã khẳng định vị thế vững vàng của bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc tại quê hương Vĩnh Long và có tiếng vang xa.
 
Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, năm 2022, Sở Văn hóa-TT-DL, thực hiện 2 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Văn Thánh miếu tỉnh Vĩnh Long” và “Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long”.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL: “Trong quá trình thực hiện 2 hồ sơ khoa học này, chúng tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên được sự giúp đỡ, hỗ trợ, chỉ bảo tận tình của các bậc kỳ lão trong Ban Bảo vệ di tích quốc gia Văn Thánh miếu, các nghệ nhân hát bội, các cấp chính quyền, của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh; của các thầy cô Khoa Di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh; sự hướng dẫn về chuyên môn của Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa-TT-DL. Đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nên 2 bộ hồ sơ khoa học được thực hiện đạt yêu cầu và đúng kế hoạch đã đề ra”.
 
Tiếp tục phát huy những giá trị di sản
 
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Đây chính là kết tinh của phẩm chất, cốt cách và nguồn động lực về tinh thần của người dân Vĩnh Long trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời khai hoang mở cõi đến quá trình đấu tranh, hình thành và phát triển tỉnh nhà”.
 
2 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được đưa vào danh mục quốc gia trong niềm phấn khởi, tự hào nhưng cùng với đó là trách nhiệm trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản.
 
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị: Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị đặc sắc của “Lễ hội Văn Thánh miếu” và “Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long” nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, sự trân trọng và ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa; lan tỏa các giá trị văn hóa này không chỉ trong cộng đồng dân cư mà còn đến với các tỉnh trong khu vực và cả nước; từ đó xây dựng thương hiệu văn hóa của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
 
Đồng thời, Sở Văn hóa-TT-DL, có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từng bước đưa hát bội trở thành sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu của du lịch Vĩnh Long. Phối hợp Sở GD-ĐT đưa nội dung này vào tài liệu giáo dục địa phương các cấp học một cách chân thực và sinh động. Và quan tâm, hỗ trợ đối với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn…
 
“Lễ hội Văn Thánh miếu” vẫn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn với những nghi lễ truyền thống.
“Lễ hội Văn Thánh miếu” vẫn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn với những nghi lễ truyền thống.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, “Lễ hội Văn Thánh miếu” vẫn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn với những nghi lễ truyền thống; “Nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long” vẫn rất được yêu mến và vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng những người mộ điệu.
 
2 di sản trên có đầy đủ các tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc của địa phương, cộng đồng; không chỉ phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài mà còn là minh chứng cho tình yêu, sự trân trọng giá trị lao động, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết, tương trợ mang tính cộng đồng của người dân tỉnh Vĩnh Long.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG