Cho vay lãi cao bị trừ vào tiền vốn

Cập nhật, 09:20, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)

Cho vay với lãi suất vượt quá quy định nên khi khởi kiện đòi nợ đã không được tòa chấp nhận và số tiền lãi thu vượt bị trừ vào nợ gốc.

Ngày 24/6/2019, ông H.T.M. (ở huyện Vũng Liêm) cho bà N.T.T. (ở TP Vĩnh Long) vay 80 triệu đồng, thời hạn vay 1 năm. Sau đó, bà T. tiếp tục vay 20 triệu đồng, có làm biên nhận nhưng không ghi lãi suất.

Đến hạn trả nợ, ông M. yêu cầu bà T. trả vốn và tiền lãi nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, bà T. chưa có tiền trả xin gia hạn thêm và kéo dài đến nay. Do số tiền này, ông M. vay của ngân hàng rồi cho bà T. vay lại, nay không thể đóng lãi tiếp cho ngân hàng nên ông khởi kiện yêu cầu bà T. trả lại tiền vốn 100 triệu đồng và tiền lãi hơn 72,6 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, bà T. thừa nhận có vay của ông M. 2 lần 100 triệu đồng, lãi suất 10 %/ tháng. Do tiền lãi cao, bà T. đóng đến tháng 3/2020 thì không có khả năng đóng tiếp nên xin trả góp mỗi ngày 300.000đ. Ngoài ra, ông M. có thuê mặt bằng của bà ở Phường 3 để buôn bán với giá 2 triệu đồng/tháng.

Ông M. thuê 9 tháng nhưng chưa trả tiền. Sau đó, ông M. thuê mặt bằng của bà ở Phường 8 với giá 1,5 triệu đồng/tháng, thuê 2 tháng cùng với nhà trọ mỗi tháng 500.000đ nhưng ông M. cũng không trả mà nói trừ vào tiền vay. Do bà trả lãi vượt rất nhiều lần so với vốn vay và trả góp mỗi ngày khấu trừ xong vào vốn, không còn nợ nên không đồng ý trả thêm số tiền trên theo yêu cầu khởi kiện của ông M..

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã buộc bà T. trả ông M. tiền vay 100 triệu đồng nhưng bà T. không đồng ý, gửi đơn kháng cáo và cung cấp cuốn sổ tay theo dõi trả tiền góp hàng ngày cho ông M., có chữ ký và ghi tên L. là tên thường gọi của ông M.. Ông M. cho rằng chữ ký đó không phải của mình đề nghị trưng cầu giám định.

Theo kết luận của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long, chữ ký và tên L. trong cuốn sổ tay bà T. cung cấp có một số trang không phải chữ ký của ông M. hoặc không xác định được do mờ, còn lại đều do ông M. ký nhận.

Từ những chứng cứ thu thập được, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng: Ngày 24/6/2019, bà T. vay của ông M. 80 triệu đồng, có lập hợp đồng vay và công chứng.

Sau đó, bà T. vay tiếp của ông M. 20 triệu đồng, có làm biên nhận và ghi mỗi ngày bà T. đưa cho ông M. 100.000đ tiền lời. Mặc dù trên hợp đồng vay và biên nhận nợ không thể hiện lãi suất nhưng ông M. và bà T. đều thừa nhận mức lãi suất của 2 khoản vay này là 10 %/tháng. Đây là mức lãi suất cao hơn quy định của pháp luật nên cần điều chỉnh lại và khấu trừ cho phù hợp.

Theo đó, số tiền lãi bà T. đóng vượt cho ông M. hơn 74,6 triệu đồng sẽ được trừ vào số nợ 100 triệu đồng. Do đó, số tiền gốc bà T. còn nợ ông M. tính đến tháng 3/2020 là hơn 25,3 triệu đồng nên bà T. phải trả số tiền này cùng với lãi trong hạn, quá hạn theo quy định tổng cộng hơn 49,7 triệu đồng.

Tại tòa, ông M. thừa nhận có nhận tiền trả góp của bà T. mỗi ngày 300.000đ, sau đó anh H.H.C. (con trai bà T.) thương lượng trả nợ thay mẹ và đã trả nhiều lần nhưng ông không nhớ rõ bao nhiêu.

Theo công nợ ghi ngày 17/8/2020 thì số tiền anh C. trả thay cho bà T. là 14,1 triệu đồng có chữ ký xác nhận và ghi tên của ông M.; tiền bà T. đã trả góp tính trên các tài liệu do ông M. ký theo kết luận giám định là 48 triệu đồng cùng với tiền nhà trọ, thuê mặt bằng ông M. còn nợ, tổng cộng các khoản ông M. đã nhận hơn 62,7 triệu đồng, cao hơn số tiền 49,7 triệu đồng nợ gốc và lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm mà bà T. phải trả nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M..

Quyết định trên đồng nghĩa với việc bà T. không phải trả thêm khoản tiền nào cho ông M. nhưng tại tòa, bà T. trình bày do tình nghĩa trước đây nên đồng ý trả thêm cho ông M. 20 triệu đồng. Đây là sự tự nguyện của bà T. và không trái với quy định của pháp luật nên được HĐXX ghi nhận.

DIỄM PHƯỢNG