Cảnh giác trước những chiêu lừa đảo trực tuyến

Cập nhật, 07:05, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi và nhắm vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau, thông qua phương thức chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Trần Quang Hưng- Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin- TT), các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, với nhiều hình thái mới, tinh vi hơn. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

Gần đây, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cảnh giác với 7 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, gồm 5 hình thức diễn ra trong nước và 2 hình thức được các đối tượng thực hiện ở quy mô quốc tế. Đó là, lừa đảo đăng ký học kỳ công an, quân đội miễn phí cho trẻ; hàng loạt đối tượng chiếm đoạt mã giảm giá trên Shopee; giả danh thanh tra sở y tế để lừa bán thuốc xương khớp; chiêu lừa mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh xuất hiện trở lại; kênh YouTube của nhiều người nổi tiếng bị tấn công, chiếm quyền; lừa đảo “việc nhẹ lương cao” qua WhatsApp; đánh cắp thông tin doanh nghiệp bằng cách lừa cài mã độc qua email.

Các hình thức lừa đảo này xuất hiện liên tục, nhất là vào các dịp lễ, sự kiện chính trị- xã hội. Nhận định việc ngăn chặn các hình thức lừa đảo trực tuyến là không khả thi, bởi chúng ta luôn đi sau, ông Trần Quang Hưng cho rằng để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là: thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Hiện, Cục An toàn thông tin đã xây dựng và phát hành Cẩm nang về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến, giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông điểm tin tuần về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để kịp thời đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời tới người dân.

Dẫn chứng sự cố nhiều tài khoản Facebook bị đăng xuất xảy ra ngày 5/3, ông Trần Quang Hưng thông tin, trong 2 tiếng đồng hồ sự cố xảy ra, Cục An toàn thông tin liên tục nhận được cuộc gọi phản ảnh. Nhiều chủ tài khoản cũng tự ý thức đổi mật khẩu, tạo xác thực hai bước để tránh trường hợp bị “hack”.

Có thể thấy, trong khi chờ những công nghệ và biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hình thức lừa đảo thì việc tuyên truyền cảnh báo, khuyến cáo tới người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ là rất quan trọng và hiệu quả. Và, nếu tất cả người dùng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đều có kỹ năng cơ bản áp dụng biện pháp bảo mật cơ bản thì họ có thể bảo vệ tài khoản trước nguy cơ bị xâm nhập và đánh cắp.

TRUNG HƯNG