Chuyển nhượng đất tranh chấp bị tuyên vô hiệu

Cập nhật, 13:19, Thứ Ba, 06/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Trong thời gian chờ tòa giải quyết, thửa đất đang tranh chấp tiếp tục được sang bán cho nhiều người nên hàng loạt hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu.

Tháng 3/2019, do cần tiền trị bệnh nên bà N.T.P. vay của bà N.T.C. (cùng ở TP Vĩnh Long) 30 triệu đồng, lãi suất 2 %/tháng.

Để đảm bảo nợ vay, bà P. thế chấp thửa đất diện tích 50,8m2 (loại đất ở đô thị) nhưng không lập hợp đồng thế chấp mà bà C. yêu cầu phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Do đang cần tiền nên bà P. đồng ý và đôi bên đã đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên.

Sau khi đóng lãi được 3 tháng, bà P. liên hệ bà C. trả nợ và lấy lại giấy chứng nhận QSDĐ thì được trả lời người giữ “sổ đỏ” đang đi du lịch nên hẹn giải quyết sau. Sau đó, bà P. phát hiện bà C. đã chuyển nhượng thửa đất của mình cho người khác nên gửi đơn khởi kiện ra tòa.

Trong thời gian chờ TAND TP Vĩnh Long giải quyết, bà P. trích lục hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì phát hiện thửa đất trên đã được chuyển nhượng lần lượt qua 2 người nữa.

Do đó, bà P. yêu cầu tòa vô hiệu 4 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ gồm hợp đồng chuyển nhượng giữa bà với bà C. và 3 hợp đồng bà C. cùng nhiều người khác lần lượt chuyển nhượng cho nhau.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long nhận định: Thửa đất bà P. thế chấp cho bà C. để vay tiền là tài sản hợp pháp của bà P., trên đất có ngôi nhà cấp 4 mà bà P. và con trai đang sinh sống.

Mặc dù thửa đất trên đã được bà P. ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà C. nhưng thực chất đó chỉ là giao dịch vay tiền.

Cụ thể, bà P. chỉ giao bản chính giấy chứng nhận QSDĐ cho bà C. giữ để làm tin chứ không có bàn giao tài sản và nhận tiền chuyển nhượng. Quá trình giải quyết vụ án, bà C. cố tình vắng mặt không hợp tác theo thông báo triệu tập của tòa, cũng không cung cấp chứng cứ phản bác.

Xét chứng cứ là giấy viết tay của con dâu bà C. đề ngày 1/2/2020 có nội dung xác nhận số tiền ghi trong hợp đồng là tiền vay và hứa cho bà P. chuộc lại giấy chứng nhận QSDĐ nên có căn cứ cho rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà P. với bà C. nhằm che đậy cho giao dịch hợp đồng vay theo thỏa thuận miệng.

Do hợp đồng giả tạo nên vô hiệu ngay khi ký xác lập, kéo theo các hợp đồng chuyển nhượng liên quan cũng bị vô hiệu.

Từ nhận định trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà P. và tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà P. với bà C. cùng 3 hợp đồng chuyển nhượng liên quan.

Riêng số tiền 30 triệu đồng bà P. nhận là có thật do giao kết hợp đồng vay nên HĐXX dành cho bà C. vụ kiện khác. Những người nhận chuyển nhượng thửa đất trên cũng có quyền yêu cầu xử lý hậu quả do hợp đồng vô hiệu và bồi thường thiệt hại nếu có bằng vụ kiện dân sự khác.

DIỄM PHƯỢNG