Đêm ở Láng Sen

Cập nhật, 05:24, Thứ Sáu, 09/02/2024 (GMT+7)
Láng Sen mùa sen nở rộ tuyệt đẹp.
Láng Sen mùa sen nở rộ tuyệt đẹp.

(VLO) Cơn mưa rả rích từ chiều càng khiến khung cảnh Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) càng thêm tĩnh mịt, cũng là lúc dàn nhạc giao hưởng ruộng đồng cất lên inh ỏi. Từ tiếng chim cò dáo dác bay về tổ, tiếng ễnh ương, ếch nhái, tiếng cá đớp mồi đánh ụp… đến tiếng mưa lúc xa khi gần gõ nhịp trên tán rừng tràm hòa khúc đồng ca khoan nhặt trầm bổng du dương.

Trời tối hẳn, anh Võ Văn Đẹp- nhân viên bảo vệ và kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm- viên chức Phòng Kỹ thuật bảo tồn Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen chuẩn bị “đồ nghề” sẵn sàng. Chúng tôi cùng các anh lao vào bản hòa ca mỗi lúc càng rộn ràng hơn, đi tuần tra đêm quanh các điểm trọng yếu của khu bảo tồn.

Tiếng chim kêu giữa rừng ngập nước

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ví như cái “rốn” của Đồng Tháp Mười, với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, rất hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tìm hiểu. Khu bảo tồn có diện tích khoảng 5.000ha. Trong đó, khu sinh thái vùng lõi rừng tràm rộng 2.000ha, phần còn lại là rừng tràm kinh tế và vùng đệm sản xuất nông nghiệp.

 

Hệ sinh thái đa dạng, Láng Sen có môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài chim cò, động vật hoang dã.
Hệ sinh thái đa dạng, Láng Sen có môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài chim cò, động vật hoang dã.

Riêng vùng lõi Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có 12 tiểu khu được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây và tách biệt với khu dân cư. Láng Sen có các loài cá đặc hữu sông Mekong như: Cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh…

Chim nước như: Sếu đầu đỏ, chim già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, cò trắng chân xanh… Động vật quý hiếm như mèo cá, rái cá, trăn, rắn, rùa nắp, rùa vàng... V

ới địa hình đa dạng rất đặc trưng sinh thái kiểu vùng đầm lầy ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, Láng Sen đã được Tổ chức Công ước Ramsar công nhận là 1 trong 9 khu Ramsar của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Đồng cỏ ngập nước tự nhiên.
Đồng cỏ ngập nước tự nhiên.

Là một khu vực phong phú các loài thực vật, động vật như vậy, nên “đa số người dân xung quanh ủng hộ cùng khu bảo tồn bảo vệ các loài cá, chim cò, nhưng vẫn có một số người vẫn “nhắm” vào khu vực này.

Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn phát hiện một số vụ việc người bên ngoài vào khu bảo tồn để đánh bắt, khai thác thủy sản, động vật hoang dã…”- anh Võ Văn Đẹp vừa nói, vừa vẹt đám cỏ cao tận đầu.

Đi tuần, canh gác hàng đêm là công việc thường ngày của cán bộ, nhân viên bảo vệ. Nhà anh Đẹp ở Vĩnh Lợi cũng là vùng đệm khu bảo tồn, sống và lớn lên từ nhỏ ở vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười đã quen nhịp điệu của từng mùa nước.

Có năm nước tràn ngập cao đến 2-3m, cây súng ma leo theo nước vọt lên, cá mắm mặc sức mà bắt, cá linh chỉ tính bằng giạ, bằng xuồng… Chỉ bằng các công cụ lờ, dớn, lưới… là đủ cho con người mưu sinh, sống được bằng “nghề ăn cá”.

Và anh Đẹp cũng nhận ra sự bất thường của mùa nước nổi “chừng 10 năm trở lại đây nước về càng ít, năm 2023 càng ít hơn, chỉ lên xăm xắp mặt ruộng”.

 

Anh Đẹp cho biết vẫn thích nước nổi tràn bãi bờ hơn, đó là mùa cá vào đồng sinh sản, bổ sung nguồn lợi cho các loài trong khu bảo tồn. Hơn nữa, “mùa nước nổi nhìn đồng đẹp lắm, tui còn mê!”- anh Đẹp nói.

Hẳn phải yêu công việc cùng những gian khó dù “mưa tầm tã, sấm sét rảng rảng, chớp lóe sáng rực, muỗi mòng bu quanh… cũng phải đi tuần. Đi vì nhiệm vụ công việc mà cũng vì hơn 20 năm gắn bó với khu bảo tồn đã yêu cây cỏ, các loài động vật ở đây rồi”.

Tình yêu đó đã chuyển những vất vả thành trách nhiệm là “người bảo vệ”, đáp lại khi nghe “tiếng chim cò kêu giữa rừng ngập nước. Đang im phăng phắc mà chim la rộ lên.

Mình phải tìm hiểu vì sao nó vụt bay hay la ó. Nhiều trường hợp nghe tiếng chim kêu, chúng tôi phát hiện người lạ từ bên ngoài vào. Chim trích nó hay lắm, đang bình thường mà nghe nó giựt mình là có chuyện. Vịt trời ăn thành đàn, tự dưng bay lên cái ù như báo cho mình biết điều lạ gì ở đó”- anh Đẹp chia sẻ.

Láng Sen đẹp nhất mùa nước nổi!

Kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm kiểm tra sinh trưởng đồng cỏ năn, sen.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm kiểm tra sinh trưởng đồng cỏ năn, sen.

Chúng tôi đã có một đêm “ướt đẫm” nhưng nhiều trải nghiệm len lỏi qua những đồng cỏ, rừng tràm… Khi bình minh lên trong tiếng chim hót lảnh lót giữa hương rừng tràm, cây cỏ dịu ngọt, anh Nguyễn Thanh Lâm đã kịp chuẩn bị vỏ lãi đưa chúng tôi “nhìn tỏ mặt” những khu vực đêm qua chìm trong bóng tối dày đặc.

Con cò ma giật mình vụt bay, trong khi phía trước chúng tôi là đôi cò trắng bay lượn dọc con kênh ken đầy cỏ nước như hoa tiêu dẫn đường đi qua ruộng lúa ma mà anh Lâm bảo “sắp trổ đòng đòng”, tới đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập, bãi lầy ven sông với sen, súng, năn ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa… Mùa nước nổi ở Láng Sen đúng là đẹp thiệt!

Theo anh Lâm, trảng cỏ lên theo nước, tự nhiên vượt lên, con người không có sự can thiệp nào hết. Cỏ ống, rau dừa, cỏ năn, mồm mỡ…

Vừa nói anh Lâm vừa đánh suỵt “ổ ong vò vẽ”, ra hiệu chúng tôi lùi lại tránh ổ ong chỉ cách một bước chân, nhanh chóng xuống vỏ và bình luận “tôi thường thấy ong vò vẽ làm tổ trên cây, ổ dưới đất rất hiếm”.

Cán bộ, nhân viên tuần đêm bảo vệ Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Cán bộ, nhân viên tuần đêm bảo vệ Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.

Chúng tôi thoáng rùng mình nhưng đã bỏ ổ ong vò vẽ lại bờ bên kia, trước mặt là đồng sen rộng lớn. “Sen mọc tự nhiên ở khu ngập nước này. Sen tự nhiên là loài gốc ở đây, từ đó mà gọi Láng Sen, nghĩa là vùng láng lung có nhiều sen mọc hoang dã”- anh Lâm bảo.

Hiện Láng Sen có khu vực 60ha chủ yếu là sen mọc tập trung, còn các khu vực khác sen mọc xen cây cỏ, rừng tràm…

Mùa nước nổi sen nở hoa rất đẹp, “tính ra vài chục hecta sen cho lượng gương, ngó lớn. Nhưng ở đây, cùng với nguồn lúa ma, sen ra gương bao nhiêu chim, chuột ăn hết bấy nhiêu”- anh Lâm nói, chỉ tay ra phía xa “con đen bay bay, nhỏ nhỏ là chèo bèo.

Đề tài phục hồi đàn le nâu của khu bảo tồn bước đầu cho kết quả khả quan.
Đề tài phục hồi đàn le nâu của khu bảo tồn bước đầu cho kết quả khả quan.

Con đen nhảy nhảy là trích cồ, giang sen, chúng nhổ ngó sen, cỏ năn để ăn”. Dọc bờ bao chúng tôi đi giẫm chân lên rất nhiều vỏ ốc, “do bìm bịp, cò ốc… bắt làm thức ăn, một con cò ốc trưởng thành có thể ăn hết 2kg ốc mỗi ngày”- anh Lâm giải thích.

Hệ sinh thái Láng Sen đa dạng không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn tạo nguồn thức ăn phong phú cho các loài động vật. Ngoài ra, Ramsar Láng Sen cũng ghi nhận đàn cá lóc bông số lượng rất nhiều và “nổi danh hung dữ nhất, nó có thể táp một cái ngọt xớt đứt lìa nửa con cá rô phi cả ký như chơi”- anh Lâm nói môi trường khu bảo tồn cũng là nơi cá lóc bông sinh sôi, đàn cá nhiều con bự hơn chục ký không phải hiếm.

Kỹ sư Lâm cũng khoe với chúng tôi đang thực hiện dự án “Phục hồi đàn và sản xuất giống chim le nâu trong Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen”, đề tài bước đầu đạt những kết quả tốt. Không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt bảo tồn loài le nâu, mà về mặt kinh tế còn giúp địa phương phát triển chăn nuôi giảm áp lực săn bắt trong khu bảo tồn. 

Ông Trương Thanh Sơn- Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

Thời gian qua, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã cảm nhận và bị tác động rõ ràng từ biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi và cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái, khu bảo tồn đã và đang thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học: Phục hồi cánh đồng lúa hoang; đánh giá hiện trạng và đề ra biện pháp quản lý, phục hồi các loài thủy sản quý hiếm; phục hồi đàn và sản xuất giống chim le nâu.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Do điều kiện kinh tế, người dân nơi đây thường xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn nhằm đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã, gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn. Thời gian qua, khu bảo tồn quan tâm và thực hiện các mô hình sinh kế nhằm phát triển kinh tế cho đời sống người dân vùng đệm. Trong đó có các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ như cá sặt rằn, cá rô, cá lóc,… Hay trồng sen ngó, sen gương; trồng lúa mùa nổi; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật rút tơ sen.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC