Quýt hồng Lai Vung rộn ràng đón Tết

Cập nhật, 11:01, Chủ Nhật, 28/01/2024 (GMT+7)

 

Các điểm vườn quýt hồng mở cửa, có cả dịch vụ thuê trang phục áo bà ba, khăn rằn… phục vụ khách tham quan.
Các điểm vườn quýt hồng mở cửa, có cả dịch vụ thuê trang phục áo bà ba, khăn rằn… phục vụ khách tham quan.

Những ngày cận Tết, đến các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành (huyện Lai Vung, Đồng Tháp)… đâu đâu cũng thấy quýt đã “lên da lươn” hồng đỏ khắp các vườn. Trái quýt trĩu cành, no căng và đầy nước, hút mắt người xem.

Thời điểm này, một số chủ vườn quýt cũng đã mở cửa đón khách vào tham quan, chụp ảnh, kết hợp phục vụ ăn uống, dã ngoại, góp phần quảng bá đặc sản quýt hồng Lai Vung.

Nhiều chủ vườn quýt hồng cho hay, để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong dịp Tết, chủ vườn đã mở cửa đón khách tham quan từ đầu tháng 12 âl.

Với giá vé 50.000-60.000 đ/vé người lớn, 30.000 đ/vé trẻ em, du khách không chỉ được nghe thuyết trình về cách trồng quýt, thưởng thức quýt hồng, tham quan, chụp ảnh trong vườn quýt, còn được trải nghiệm bơi xuồng, đi cầu khỉ...

Quýt hồng có điểm đặc biệt là “màu hồng rất đẹp”, vỏ nhẵn và mỏng. Khi chín có vị ngọt hậu, hơi chua nhẹ, nhiều nước và có màu vàng cam. Do thời gian quýt phát triển, đậu trái kéo dài đến 11 tháng nên mỗi năm chỉ có 1 vụ quýt vào dịp Tết.

Đầu tháng 11 âl trái quýt bắt đầu lên màu (còn gọi lên da lươn) nhưng chưa đạt độ đường. Đến gần giữa tháng Chạp, trái chuyển sang màu vàng cam đẹp mắt, lúc này quýt ngọt hơn có thể thu hoạch.

Chị Phạm Thị Đủ- quản lý vườn Ba Liên (xã Long Hậu, huyện Lai Vung), cho biết: Vườn quýt có diện tích 3,3ha, trong đó có 1,8ha trồng quýt hồng được từ 6 tháng đến 1 năm tuổi, còn lại đang cho trái. Đây là năm thứ 3 vườn quýt hồng Ba Liên mở cửa đón khách tham quan. Mở cửa đón khách khi quýt bắt đầu lên da lươn.

Ngày thường vườn đón khoảng 100 khách/ngày, còn các ngày cuối tuần, lượng khách đến tham quan khoảng 800-1.000 lượt. Để đảm bảo phục vụ nhu cầu ẩm thực, vườn còn chuẩn bị thực đơn với các món ăn dân dã mang đậm hương vị đồng quê.

“Trước đây vườn quýt trồng chỉ để bán cho thương lái nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2021, gia đình quyết định chuyển sang trồng vừa sản xuất vừa kết hợp làm du lịch để nâng cao hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao hơn, doanh thu cũng tăng gấp 3-4 lần”- chị Đủ cho biết và làm một bài tính:

“Nếu như trước đây trồng quýt bán trái khoảng 250 triệu đồng/năm, từ khi kết hợp làm du lịch chỉ tính riêng doanh thu từ du lịch đã 800 triệu đồng/năm. Mọi năm, khoảng 15 tháng Chạp là thương lái tới vườn khảo sát, đặt quýt. Được giá thì chốt, sau đó thương lái sẽ chỉ định ngày hái. Chúng tôi thu hoạch theo yêu cầu của thương lái, từ ngày 25-30 tháng Chạp. Giá quýt năm nay dự kiến bán cho thương lái là 70.000 đ/kg”.

Để thu hút khách tham quan, tại các điểm tham quan vườn quýt có gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương; nhà vườn đầu tư xây dựng các tiểu cảnh để du khách có những bức ảnh đẹp; bố trí khu vực cho khách du lịch tự tay hái những trái quýt hồng mang về làm quà biếu người thân; phục vụ các món ăn đặc sản miền Tây, đặc biệt còn có những món ăn được chế biến từ quýt hồng như cá lóc sốt quýt hồng, cháo gà trộn gỏi sốt quýt hồng, rượu quýt hồng…

Theo nhiều chủ vườn, gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây quýt nên sản lượng quýt cũng có giảm hơn so với những năm trước. Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lai Vung, trước đây huyện có hơn 1.000ha trồng quýt hồng. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh vàng lá, thối rễ tấn công gây hại đã làm thiệt hại lớn những vườn đang cho trái, làm giảm diện tích trồng loại cây đặc sản này.

Trước tình hình trên, UBND huyện Lai Vung cũng đã triển khai thực hiện đề án bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung. Qua đó, nhiều vườn quýt đã phục hồi và phát triển tốt, sản lượng và chất lượng quả quýt hồng Lai Vung ngày càng nâng lên.

Theo đó, không ít chủ vườn cũng đã thay đổi tập quán canh tác để nâng cao chất lượng, sản lượng quýt. Chị Đủ chia sẻ: Vườn cũng đã dành ra 50% diện tích trồng quýt để áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024.

Theo đó, vườn áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học nên cây phát triển tốt, trái căng tròn, mọng nước, đẹp mắt hơn.

Ông Huỳnh Văn Tồn- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lai Vung, cho hay: Toàn huyện có khoảng 215ha trồng quýt tham gia đề án bảo tồn, với sản lượng cung ứng cho thị trường dịp Tết khoảng 5.000 tấn. Thời gian qua, chất lượng trái quýt hồng Lai Vung không ngừng được nâng lên.

Ngành nông nghiệp huyện cũng đã tập huấn cho nhà vườn về xử lý thoát nước và một số vấn đề gặp phải trong sản xuất, kỹ thuật chăm sóc tránh nám, nứt da quýt để khi thu hoạch trái quýt hồng to đẹp, nông dân bán có giá cao dịp Tết.

Bên cạnh đó, huyện Lai Vung hiện có 16 điểm tham quan đã mở cửa đón khách đến cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, có 10 điểm tham quan vườn quýt hồng, tập trung ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành và Vĩnh Thới.

Vẻ đẹp mùa quýt hồng chín khiến du khách bắt mê.
Vẻ đẹp mùa quýt hồng chín khiến du khách bắt mê.

Trong thời gian tới, huyện tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết, an toàn, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận, giữ vững thương hiệu quýt hồng Lai Vung. Trong đó, thực hiện tốt việc đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường.

Đặc biệt, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho cây quýt hồng.

Bên cạnh đó, vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành những vùng sản xuất tập trung với quy mô phù hợp, tăng cường huấn luyện nông dân thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc theo mã vùng trồng…

Bài, ảnh: AN- THẢO