Câu chuyện về nước và vấn đề giữ đất cho đồng bằng

Cập nhật, 07:02, Thứ Bảy, 10/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Trong 6.000 năm hình thành nên ĐBSCL phì nhiêu, màu mỡ, dòng Mekong bồi đắp cho đồng bằng ngày càng nở thêm ra. Đó là quá trình, theo cách nói của ThS Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, của một dòng sông tự nhiên không đứng yên. Trong quá khứ, khi mỗi năm sông Mekong hiền hòa miệt mài mang về khoảng 160 triệu tấn bùn và 30 triệu tấn cát, thì sạt lở- bồi đắp là tự nhiên và bồi đắp luôn nhiều hơn sạt lở. Kết quả là đồng bằng luôn nở ra, tiến về phía Biển Đông khoảng 16 m/năm, về hướng mũi Cà Mau 26m/năm.

Nhưng quá trình tự nhiên đó đã và đang gặp nhiều “chướng ngại vật”, hạt phù sa không xuôi theo con nước chu du về đồng bằng, dòng “nước đói” trở nên hung hãn “ăn” vào bờ. Đồng bằng gia tăng sạt lở.

Chuyến phà Vàm Cống ngang qua sông Tiền mênh mông.
Chuyến phà Vàm Cống ngang qua sông Tiền mênh mông.

“Chướng ngại vật” trên dòng Mekong hùng vĩ

Đầu tháng 10/2023, các đô thị lớn ở hạ nguồn sông Cửu Long như TP Vĩnh Long, Cần Thơ, nước ngập nhiều do triều cường lên cao.

Người dân thành thị tìm mọi cách để ứng phó. Trong khi đó, những khu vực tại 3 xã bờ đông là Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, thuộc huyện An Phú (tỉnh An Giang) và một số khu vực biên giới thượng nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh Đồng Tháp, Long An lại gần như… đói lũ.

Theo ông Phùng Thế Vinh- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện An Phú: “Nước lũ năm 2023 tương đối “hiền”, tuy đã lên đồng và ngập toàn bộ nhưng thấp hơn so cùng với thời điểm năm ngoái”.

Vì gắn bó cây lúa là chính nên “nước nhiều, nước ít” đều có tác động đến năng suất, chi phí sản xuất của nông dân. Thông thường mùa nước nổi ở 3 xã bờ đông sông Hậu sẽ lên từ đầu tháng 9, lưu lại trên đồng và rút dần vào đầu tháng 11. Nên theo con nước, lịch xuống giống vụ Đông Xuân dao động từ sau giữa tháng 11.

“Những năm gần đây, nước không còn đi theo chu kỳ mà rất bất thường, có năm cạn nước”, ông Võ Thanh Trí- cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú), chia sẻ. Ông lấy dẫn chứng năm 2022, lũ cao hơn cả năm 2018, 2019 và 2020.

Nước về cuồn cuộn, ngập cả tuyến đập tràn Phú Hữu, Phú Lộc, Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, nước rút khá nhanh, chỉ trong 20-25 ngày.

Giữa tháng 10/2023, chia sẻ về câu chuyện “Nước, con người và quản trị vùng châu thổ sông Cửu Long”, PGS.TS Lê Anh Tuấn- cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) đánh giá, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lũ lớn về ĐBSCL giảm đi rất rõ, lũ thấp và trung bình tăng lên.

Nguyên nhân một phần do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về thấp, một phần ảnh hưởng bởi yếu tố toàn cầu là hiện tượng El Nino.

Nguồn nước sông Mekong hình thành hệ sinh thái độc đáo và đa dạng cho ĐBSCL.
Nguồn nước sông Mekong hình thành hệ sinh thái độc đáo và đa dạng cho ĐBSCL.

“Cứ 4 năm sẽ gặp tình trạng này một lần vào năm 2016, 2020 và tiếp theo năm 2024 El Nino sẽ xuất hiện. Và theo quy luật, năm nào lũ thấp, đồng nghĩa năm kế tiếp sẽ khô hạn. Lũ thấp thì cá và phù sa ít, kéo theo hoạt động du lịch cũng suy giảm”, ông Tuấn nói.

“Nước đói” và “đói lũ” ĐBSCL sẽ ra sao? ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, lùi về quá khứ và chia sẻ: Đầu thập niên 1990, khi các đập thủy điện dần xuất hiện trong lưu vực Mekong, bùn cát về ĐBSCL bắt đầu giảm, sạt lở bắt đầu gia tăng. Năm 2005 có thể xem là thời điểm ngưỡng khi tốc độ sạt lở đuổi kịp tốc độ bồi đắp. Từ đó đến nay, sạt lở gia tăng dữ dội, bồi đắp sụt giảm mạnh nên đồng bằng bị teo tóp lại.

“Vậy, nguyên nhân chính của sạt lở ở ĐBSCL ngày nay là do thiếu hụt phù sa (bùn, cát), tức là thiếu chính loại vật liệu đã bồi đắp tạo nên vùng đất này. Thiếu bùn thì dòng nước trở thành dòng “nước đói” ăn vào bờ để bù năng lượng.

Thiếu cát thì đáy sông bị sâu, nghĩa là bờ bị cao hơn, nặng hơn, dễ sụp đổ hơn. Nguyên nhân đằng sau sự thiếu hụt bùn, cát là do các đập thủy điện chặn lại và hoạt động khai thác cát trên suốt chiều dài sông Mekong, kể cả ở ĐBSCL.

Tất cả các yếu tố khác đều là phụ, hoặc là cục bộ tại chỗ, không phải là nguyên nhân chung của hiện tượng sạt lở hiện nay”- ThS Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Trả nợ cho những dòng sông

Ngược dòng quá khứ, PGS.TS Lê Anh Tuấn kể: Hơn 300 năm, cư dân châu thổ Cửu Long biến vùng đất ngập nước hoang vu thành cánh đồng lúa phì nhiêu, vườn cây trĩu trái, hình thành nền văn minh sông nước độc đáo.

Bà con di chuyển theo con nước thủy triều, nước xuôi chèo ghe đi, nước ngược dừng lại trao đổi buôn bán. Từ đây đã hình thành văn minh trên bến dưới thuyền.

Thiên nhiên đã tạo nên đặc điểm hành chính cho ĐBSCL. Người dân sống dọc các con sông, kênh để đi lại, mua bán và lấy nước được dễ dàng, các chợ nổi cũng được thành lập từ đây. Tài nguyên nước ở đồng bằng được đánh giá nhiều nhất trong tất cả nguồn nước ở các lưu vực sông tại Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, mô hình của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho thấy, đến năm 2020, lượng bùn hàng năm sông Mekong đổ về trong mùa lũ chỉ còn khoảng 49 triệu tấn/năm, so với 160 triệu tấn trước đây thì chỉ còn 1/3.

Nếu tất cả các đập trong lưu vực Mekong được xây dựng trên dòng chính và dòng nhánh (khoảng 140 đập) thì 96% lượng bùn sẽ bị giữ lại, chỉ còn 4% về đồng bằng.

Những dòng sông tạo nên nét văn hóa sông nước riêng có của ĐBSCL.
Những dòng sông tạo nên nét văn hóa sông nước riêng có của ĐBSCL.

Khi đó, nước về ĐBSCL sẽ rất trong và rất “đói”. Cát thì chắc chắn sẽ không còn về nữa. Cát chỉ di chuyển được trong 3 tháng đầu mùa lũ (tháng 7, 8, 9), đến tháng 10 thì dừng lại ở những “trạm dừng chân” trên sông Mekong, chờ mùa lũ năm sau đi tiếp. Cát phải mất vài chục năm mới đi hết hành trình trên 4.000km từ thượng nguồn về ĐBSCL.

Tiếp tục câu chuyện, ông Thiện cho biết, trong những năm gần đây, vẫn còn một số ít cát (6-7 triệu tấn/năm) về đồng bằng là số cát đã khởi hành mấy chục năm trước, đã vượt qua vị trí các đập và đang tiếp tục hành trình đi xuống. Số cát ở phía trên các đập sẽ không có cách nào vượt qua đập được.

Số cát ít ỏi vẫn còn về này sẽ hết trong vài năm tới. Sạt lở theo đó sẽ còn tăng dữ dội ở ĐBSCL.

Trong bối cảnh đó, “mọi giải pháp ở nội tại đồng bằng cũng chỉ là đối phó chứ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Nguyên nhân còn thì hệ quả sẽ tiếp diễn.

Sạt lở sẽ chỉ giảm khi dòng sông “đòi đủ nợ”, tức là gây sạt lở đủ, mở rộng ra, tìm được điểm cân bằng mới.

Chúng ta chưa biết điểm cân bằng mới ở đâu. Do đó, biện pháp ưu tiên hiện nay nên là biện pháp thuận tự nhiên, di dời hạ tầng và người dân hơn là tiếp tục “cãi nhau” với dòng sông” - ThS Nguyễn Hữu Thiện nói “thuận thiên” vẫn là giải pháp hữu hiệu và nhấn mạnh “cãi nhau với thiên nhiên, chúng ta thường phải trả giá đắt hơn!”. 

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp. Từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/74km; bờ biển: 113 điểm/39km). Tình hình sạt lở sông, kênh rạch ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi của các đợt sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn thường lớn hơn hạ nguồn sông (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long). Xói lở bờ chủ yếu xảy ra vào mùa lũ, lũ càng lớn lòng dẫn càng bị xói mòn nhanh, diễn biến lòng dẫn càng mạnh.

Bài, ảnh: AN- THẢO