Liên kết hợp tác khu vực phát triển du lịch nông nghiệp

Cập nhật, 14:30, Thứ Năm, 26/05/2022 (GMT+7)
Nhiều sản phẩm được tạo ra từ sen, phục vụ các dịch vụ du lịch.
Nhiều sản phẩm được tạo ra từ sen, phục vụ các dịch vụ du lịch.

Du lịch nông nghiệp mang lại lợi ích kép cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và ngành du lịch, giúp gia tăng giá trị cho nông dân, nông thôn. Đó là thế mạnh của khu vực ĐBSCL và khi tạo được mối liên kết hợp tác giữa khu vực này và TP Hồ Chí Minh, sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành sản phẩm một cách bài bản và tạo nên chuỗi giá trị cao trong hoạt động du lịch nông nghiệp.

Thực trạng mô hình du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL

Tuy nhiên, cần có sự khảo sát, đánh giá thực trạng những mô hình đã hình thành và những dự án chuẩn bị phát triển để có cái nhìn tổng quan và định hướng một cách rõ ràng và dài hơi hơn. Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), trong kết quả nghiên cứu năm 2021, thực trạng khai thác chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp ở đồng bằng hiện có một số vấn đề tồn tại cần giải quyết. Đối với các yếu tố hỗ trợ chuỗi như: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ, thì sự đáp ứng chỉ ở mức cơ bản, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa tạo được sức bật cho du lịch nông nghiệp vùng.

Đối với các thành tố vận hành chuỗi (lữ hành, vận chuyển, lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí mua sắm, tiếp thị quảng bá), các hoạt động trực tiếp khai thác và cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch nông nghiệp còn quá ít, thường trùng lắp, chưa thực sự thu hút. Tuy nhiên, những năm gần đây đã manh nha có nhiều ý tưởng và hoạt động độc đáo, hấp dẫn, đáng chú ý. Đối với các chủ thể tham gia chuỗi, đa phần đã có sự chủ động trong triển khai, nhưng chưa thực sự quyết liệt và chưa mang lại hiệu quả rõ ràng.

Đồng thời, mối liên kết giữa các đơn vị, địa phương vẫn còn mang tính cơ học, chưa liên tục và thực sự chặt chẽ, chưa đảm bảo phân phối hài hòa và gia tăng lợi ích cho các bên liên quan. Điều quan trọng là trong các hoạt động liên kết, thì vai trò điều phối, chủ đạo, “nhạc trưởng” chưa được nổi bật, khiến cho các liên kết mờ nhạt, lỏng lẻo, đôi khi khá hình thức.

Qua đó, có thể thấy thực trạng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL hiện nay đang tồn tại với nhiều dạng thức khác nhau, từ dạng mới hình thành ý tưởng, dạng đang hiện diện các yếu tố tiềm năng, cho tới dạng đã có những chuỗi liên kết nhất định. Ở dạng thứ 3, một số mô hình đã thể hiện tính chuỗi liên kết khá rõ, đem lại hiệu quả cao, đem lại lợi ích cho các bên tham gia được gia tăng đáng kể. Những mô hình này cần được hoàn thiện và nhân rộng.

Về các mô hình chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại ĐBSCL, có thể phân thành 2 dạng cơ bản. Thứ nhất là dạng đơn giản, trong đó người dân tự phát làm du lịch và khách đến thông qua nhiều kênh thông tin. Điển hình như các vườn cây ăn trái ở 4 xã cù lao (Long Hồ), Phong Điền, săn chim Vàm Hồ, vườn trái cây Vàm Xáng (Cần Thơ), Viet Mekong Farmstay (Đồng Tháp)… Thứ hai là các mô hình có liên kết chuỗi dưới nhiều hình thức khác nhau. Tự người dân liên kết với nhau như ở cồn Sơn (Cần Thơ), doanh nghiệp liên kết với người dân như ở Vĩnh Long; hoặc có sự tư vấn của các nha khoa học và hỗ trợ của chính quyền địa phương như ở Trà Vinh, Châu Đốc (An Giang).

Ngoài ra, có các mô hình còn ở dạng ý tưởng, hướng tới những liên kết phức hợp có bài bản và được lập kế hoạch đầu tư, như: Làng văn hóa du lịch Sa Đéc (Đồng Tháp), Làng văn hóa du lịch Chợ Lách (Bến Tre), Làng văn hóa du lịch Đất Mũi (Cà Mau)… Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chuỗi thông qua việc tạo môi trường cho chuỗi hình thành. Như vậy có thể thấy ở khu vực ĐBSCL đã hình thành các chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, tuy nhiên chưa thật sự rõ nét, nhiều mô hình chuỗi chưa thực sự hiệu quả.

Liên kết hợp tác

Vấn đề liên kết hợp tác giữa 13 tỉnh, thành của khu vực này và TP Hồ Chí Minh trong du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng là yếu tố mang tính quyết định của sự hình thành và phát triển. Mối liên kết hợp tác này sẽ tạo ra các chương trình tour du lịch, phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, phát triển các sản phẩm tour tuyến liên vùng; tiếp thị hình ảnh địa phương với bên ngoài, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối với thị trường nguồn khách, tiếp nhận tư vấn, cải tiến sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng thị trường, từng phân khúc du khách…

Sự hợp tác chặt chẽ với thị trường khách sẽ giúp cho du lịch đồng bằng có sự linh hoạt trong cung ứng dịch vụ cho nhiều đối tượng khách khác nhau. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của phát triển du lịch nông nghiệp và việc liên kết chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp đối với tất cả các bên tham gia tại ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Cần xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích liên kết du lịch nông nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông kết nối, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch tại đồng bằng.

Đồng Tháp xây dựng thương hiệu sen phát triển du lịch nông nghiệp.
Đồng Tháp xây dựng thương hiệu sen phát triển du lịch nông nghiệp.

Nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp phải hướng đến tính bền vững, cần được xây dựng trên quan điểm liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong hoạt động du lịch, cụ thể qua sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, tư vấn, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong mối liên kết này sẽ có sự phân cấp rõ ràng giữa các bên tham gia, theo đó Nhà nước quản lý, tạo môi trường cho hoạt động liên kết chuỗi diễn ra hiệu quả. Doanh nghiệp là người đứng đầu chuỗi để chủ động liên kết các sản phẩm nông nghiệp vào trong sản phẩm du lịch.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG