Theo anh về Miệt Thứ!

Cập nhật, 15:07, Thứ Hai, 09/05/2022 (GMT+7)

 

Chợ Thứ Mười Một sầm uất và khang trang.
Chợ Thứ Mười Một sầm uất và khang trang.

(VLO) Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu/ Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai...

Những câu hát trong bài “Em về Miệt Thứ” của nhạc sĩ Hà Phương ngân vang với chất giọng ngọt ngào của ca sĩ Phi Nhung nghe buồn đứt ruột.

Còn nhà văn Sơn Nam thì viết về quê hương của ông như thế này: “Đây là vùng đất vào thời trước rất xa xôi, hiểm trở với nhiều thú dữ, là nơi dừng chân của người dân Việt trên con đường Nam tiến.

Ở vùng Miệt Thứ đất thấp nhiều muỗi mòng, nhưng được một cái ở Miệt Thứ những thức ăn như kỳ đà, rắn, lươn, cua, cá lóc, tôm, đuông chà là nhiều đến mức ê hề, người sành điệu tha hồ mà chế biến, có lẽ dân miền Tây nhậu giỏi cũng nhờ "mồi nhậu" chế biến từ những "đặc sản" này".

Tất cả như thôi thúc tôi nhận lời mời theo anh về Miệt Thứ (Kiên Giang) để có cơ hội hiểu rõ hơn về mảnh ghép trong bức tranh đặc trưng của đất và người phương Nam này.

Miệt Thứ là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau).

Ông Lê Thanh Tiết nhớ như in những câu chuyện kể về nếp sống xưa ở Miệt Thứ.
Ông Lê Thanh Tiết nhớ như in những câu chuyện kể về nếp sống xưa ở Miệt Thứ.

Từ Vĩnh Long đỗ đường hơn 150km chúng tôi đã đến được chợ Thứ Bảy (huyện An Biên).

Chợ Thứ Bảy trước mắt chúng tôi là một đô thị ven sông khá quy mô. Ở chợ có bán đầy đủ những loại nông sản một thời gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây, chẳng hạn như đọt choại.

Bà con kể rằng, từng có một thời, những người mới đến lập nghiệp, khi chưa gây dựng được gì, nên hàng ngày cứ vào rừng hái đọt choại mang ra chợ bán, cũng đổi lại được chén cơm, manh áo mà sống qua thời gian khó.

Quá đỗi bất ngờ trước sự khác biệt của Miệt Thứ hiện tại thì tiếng chú Huỳnh Công Lý (ấp 7 Chợ, xã Long Thái, huyện An Biên) gọi vọng lại: “Nhanh chân vào nhà ngồi nghỉ cho mát mấy đứa”.

Bên tách trà tỏa khói, chú Lý thông thả nhớ về thuở mới đến đây: “Trước ở đây nước thì nước mặn, làm lúa chỉ có 1 vụ thôi, đất mới khai hoang 1 công có 1 giạ, 2 giạ, làm chạy đói nên ai cũng phải làm. Được cái, cá, tôm, rắn,… nhiều lắm”.

Cũng theo chú Lý, Miệt Thứ là quê hương của chiếc xuồng ba lá. Người Miệt Thứ cả đời dọc ngang với cơ man kênh rạch chằng chịt, ai nấy lái xuồng ba lá kỳ tài, luồn lách qua lau sậy, lung, bàu nước nhanh nhẹn, khéo léo.

Giờ thì cư dân Miệt Thứ vẫn quen với nhịp sống sông nước, nhưng đã vắng bóng chiếc xuồng ba lá ngày xưa, thay vào đó là ghe hàng, là tắc ráng chạy băng băng trên mặt sông.

Thứ Bảy cũng là quê hương của Nhà văn Sơn Nam. Có lẽ được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nên tính cách của nhà văn cũng hồn hậu, chân quê. Quê nhà của Sơn Nam giờ đây đã thay đổi nhiều. Nhưng cầu tre, đường làng ngày nào giờ được thay thế bằng đường nhựa, cầu kiên cố.  Đó cũng là những gì mà nhà văn cũng như lớp người đi trước hằng ao ước.

Tiếp tục tìm hiểu về vùng đất này, chúng tôi lần lượt đi qua những địa danh, những dòng kênh vắt ngang đồng nước. Các kênh đều đặt theo số, như Chín rưỡi, thứ Mười một...

Thị trấn Thứ Mười Một giờ là một thị tứ khá sầm uất, không khí náo nhiệt, người mua kẻ bán... Có mặt ở thị trấn này trong thời gian không lâu, nhưng chúng tôi cảm nhận được nhịp sống hối hả của một thị tứ ven sông.

Câu chuyện về một thời chưa xa của Miệt Thứ vẫn chưa dừng lại. Bởi ngoài những địa danh gắn với chữ Thứ, thì huyện Vĩnh Thuận cũng được xem là địa phương nằm trong khu vực được gọi chung là Miệt Thứ.

Bên tách trà thơm thảo mời khách đường xa, ông Lê Thanh Tiết (ấp Cái Chanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận), dù đã ngót nghét 76 tuổi vẫn nhớ như in những câu chuyện mà người xưa đối mặt trong quá trình khai phá vùng đất này, trong đó đáng chú ý là những chuyện về cách khắc chế thú dữ.

“Ông bà kể lại thì khu vực này chỉ có mười mấy gia đình khai hoang lập nghiệp. Chuyện hồi xưa ở đây cọp vào nhà hoài hà, nên làm nhà là phải dùng tràm cặm hết xung quanh như hàng rào, để cọp không vào được. Nhưng cọp mà, khôn lắm, nó thường đút đuôi vô bắt trẻ con.

Có chuyện vui này kể cho mấy đứa nghe, trực tiếp là bà nội tôi với bà cô tôi. Ông cố tôi sáng ăn cơm xong thì đi vô rừng, chiều mới về. Bữa đó cọp nó rình, nó đút đuôi vô.

Mấy bà bèn dùng cây củi, bẻ đuôi con cọp lại rồi lấy dây mây rừng quấn cái đuôi con cọp vô cây. Cả buổi trời, mấy ông về thì bà mới khoe, bắt được con mèo bự. Ông cố tôi ra phát hiện là con cọp, rồi ông mở dây thả ông cọp đi, từ đó về sau là con cọp không phá nữa”- ông ôn tồn kể.

Tạm biệt ông Tiết, chúng đi tìm địa danh mà tên gọi còn nhuốm màu huyền dịu: Cạnh Đền. Cũng là nơi gắn liền với những giai thoại một thời Gia Long bôn tẩu.

Đọt chọi- sản vật thiên nhiên gắn bó với một thời gian khó của những cư dân Miệt Thứ.
Đọt chọi- sản vật thiên nhiên gắn bó với một thời gian khó của những cư dân Miệt Thứ.

Tiếp chúng tôi là Ths. Võ Thanh Xuân- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận. “Tương truyền vua Gia Long có đến nơi đây trong cuộc bôn tẩu của mình.

Và trong thời gian đó thì có người con gái tên là Ngọc Hạnh không may mắc bệnh. Mặc dù được các ngự y ra sức chữa trị, nhưng không qua khỏi. Nhà vua chôn cất công chúa ở vùng đất này và cho dựng lên cái đền.

Người nói với đoàn tùy tùng của mình rằng ai muốn ở lại vùng này để khai phá sinh sống và canh cái đền con ta, thì cứ ở lại. Rồi riết người ta đến đây ở rồi đi khắp nơi để làm ăn, người khác hỏi ở đâu đến, thì người dân nói là ở Cạnh Đền. Địa danh Cạnh Đền xuất hiện từ đó”- ông Xuân chia sẻ.

Cạnh Đền giờ không còn đền. Những dấu xưa giờ đây đã phai, lớp người xưa giờ cũng không còn. Nhưng địa danh Cạnh Đền vẫn còn đó là minh chứng cho một thời tiền nhân khẩn hoang, lập ấp.

Rời Miệt Thứ, trên chuyến xe trở về Vĩnh Long, tôi thấy lòng mình phấn khởi và vui mừng vì Miệt Thứ hôm nay phát triển nhiều. Các thị tứ ven sông đã trở thành những đô thị sầm uất, những xóm làng heo hút ngày xưa, nay được thay thế bằng những mái nhà kiên cố, vững chắc trước gió mưa.

Nhưng tôi tin chắc rằng, trong tâm thức người dân, Miệt Thứ với những hình ảnh thời hoang sơ vẫn còn hằn in và trở thành trầm tích thân thương trong miền ký ức ngọt ngào.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC