Làng bó chổi

Cập nhật, 06:29, Thứ Sáu, 01/04/2016 (GMT+7)

"Xóm chổi” Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) nằm dọc dài theo con kênh Vàm Giồng êm đềm quanh năm rợp mát bóng dừa trong vùng đầu nguồn ngọt hóa Gò Công. “Xóm chổi” ngày ấy, bây giờ đã trở thành làng nghề thực thụ.

Tuy không được nhắc đến ồn ào, nhưng cây chổi que dừa của bà con xã Vĩnh Hựu thật sự là một vật hữu dụng, giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân ở một làng quê nông thôn mới.

Hầu như mỗi nhà nông thôn đều có sẵn một cây chổi que dừa mới để dùng quét dọn sạch sẽ trong nhà, ngoài ngõ. Lúc nào, đến các ấp Bình An, Phú Quý, Thạnh Thới, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh nhà nhà, các chị em cùng ngồi bên nhau để bó những cây chổi từ que dừa rất khẩn trương, nhộn nhịp. 

Nghề bó chổi que dừa ở Vĩnh Hựu đã có từ lâu, thời gian đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng đến nay đã phát triển rất mạnh. Lúc đầu người ta dùng cây ráng mọc hoang dại theo mương rạch, dòng kênh và sông cửa Tiểu. Có lúc phải bơi xuồng đến tận vùng giáp biển Tân Thành đem về phơi khô rồi dùng dây lạt dừa nước (vỏ của phần dưới thân cây dừa nước), bó thành chổi để quét nhà.

Dần dà người ta nhận thấy cây chổi kết bằng cây ráng dáng thô lại hiếm nguồn nguyên liệu nên thay thế bằng tàu cau làm chổi, vì nguồn nguyên liệu có tại chỗ lúc ấy rất nhiều.

Nhiều người đã nghĩ ra cách kinh doanh bằng nghề này nên sắm sửa ghe thuyền từ 3 - 5 tấn đi khắp vùng sông nước đồng bằng tìm nguyên liệu như ông Chín U, bà Bảy Tiển, bà Năm Nhuyễn...

Họ cất trại hẳn hòi và quy tụ mỗi lán trại trên 20 người giỏi tay nghề. Chị em phụ nữ ban ngày lo chuyện đồng áng, đêm về quây quần bên ngọn đèn dầu bó chổi, có khi đến nửa đêm mới về đến nhà.

Trước đây, cây cau được nhà vườn sử dụng triệt để vì ngoài tàu cau dùng làm chổi, thân cau già còn dùng để cất nhà, che trại. Trái cau dùng ăn trầu, không thể thiếu trong các tiệc cưới, hỏi. Cau tươi không sử dụng hết sẽ được tách ra lấy ruột phơi khô bảo quản.

Cau khô còn được dùng trong công nghệ nhuộm nên lúc bấy giờ có nhiều người trồng cau ngút ngàn hàng mẫu đất như vườn cau của bà Hương Sư Tống ở ấp Phú Quý, bà Thâm Năm ở ấp Bình An... Do chiến tranh loạn lạc, vùng Vĩnh Hựu là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nên vườn cau điêu tàn, nguồn nguyên liệu cạn kiệt.

Nhiều người không thể bỏ nghề truyền thống, họ dần chuyển qua bó chổi bằng que dừa. Nghề bó chổi bằng que dừa bắt đầu thịnh hành sau những năm đầu thập niên 70.

Vĩnh Hựu có diện tích vườn dừa nhiều nhất huyện Gò Công Tây với gần 650ha, trên 500 hộ cùng làm nghề bó chổi. Nguồn nguyên liệu để kết thành cây chổi que dừa đa phần được mua ở ngay địa phương, vùng lân cận, ở Chợ Gạo và xứ dừa Bến Tre.

Ở những nơi này, người ta chỉ sử dụng các loại gỗ dừa, gáo dừa để làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn bẹ dừa, que dừa (gân của lá) thì bán lại cho người bó chổi. Những người có ghe và vốn liếng thì hàng tháng vài chuyến đi mua gom nguyên liệu một lần, về bỏ mối lại cho các hộ sản xuất tại chỗ.

Chổi que dừa của làng nghề Vĩnh Hựu đã có mặt khắp các nơi từ các tỉnh miền Đông đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long làm nên "thương hiệu" cho một vùng đất.

Theo Nông Nghiệp