Thăm dò, khai quật tại Khu di tích Gò Tháp: Tìm thấy dấu vết những công trình kiến trúc cùng nhiều di vật

Cập nhật, 09:58, Chủ Nhật, 27/03/2016 (GMT+7)

Qua 3 đợt khai quật trong năm 2015 tại Khu di tích (KDT) Gò Tháp (huyện Tháp Mười), đoàn khai quật khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh do PGS.TS Đặng Văn Thắng làm trưởng đoàn đã tiến hành đào thám sát và khai quật khu vực hậu tổ, nhà ăn chùa Tháp Linh, chân Gò Tháp Mười, vị trí xây dựng nhà Trưng bày Xứ ủy và văn hóa Óc Eo.

Kết quả đợt khai quật này đã cung cấp nhiều tư liệu mới, nhận thức mới về các loại hình di tích, di vật văn hóa Óc Eo ở khu vực Gò Tháp.

Một tảng đá có ghi chữ được phát hiện trong đợt khai quật
Một tảng đá có ghi chữ được phát hiện trong đợt khai quật

Trong đợt thăm dò, khai quật lần này, đoàn khai quật khảo cổ đã tiến hành đào gần 40 hố thăm dò. Điều kỳ lạ ở Gò Tháp là mỗi khi có đợt thăm dò, khai quật đều phát hiện những công trình kiến trúc, di vật mới.

Thạc sĩ Võ Thị Huỳnh Như - nghiên cứu viên trong đoàn phấn khởi cho biết: “Ở Gò Tháp rất hay, đợt nào khai quật cũng phát hiện nhiều cái mới. Trong đó, nhiều kiến trúc, di vật mới được phát hiện rất có giá trị”.

Trong đợt khai quật này, đoàn đã tìm được kiến trúc Đền Thần Shiva phía Tây chùa Tháp Linh, là một kiến trúc tương đối lớn trong KDT Gò Tháp, làm giàu thêm bộ sưu tập kiến trúc đền thần khu vực Gò Tháp nói riêng và kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo.

Kiến trúc có niên đại khá sớm (thế kỷ thứ IV sau công nguyên), cùng với Đền thần Vishnu Gò Tháp Mười, Ao Thần Gò Tháp (khu vực phía Tây Gò Tháp Mười) là những kiến trúc có niên đại sớm của KDT Gò Tháp. Kiến trúc với ba giai đoạn trùng tu là những tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử phát triển của vùng đất Đồng Tháp Mười và Gò Tháp.

Bên cạnh đó, kiến trúc này cũng mang đến những hiểu biết về kỹ thuật xây dựng của cư dân Gò Tháp, đặc biệt là việc xây dựng nền móng với các lớp đất sét, gạch vụn và cát vàng xen kẽ cũng như việc linh hoạt trong các kiểu sắp sếp gạch khi xây dựng.

Đặc biệt, trong kiến trúc đền này còn thể hiện được tính kế thừa giữa những lớp người đã từng sinh sống trên mảnh đất này. PGS.TS Đặng Văn Thắng cho biết: Kiến trúc Đền Thần Shiva phía Tây nền chùa Tháp Linh là một công trình có giá trị khoa học và nghệ thuật cao, cần phải được giới thiệu đến người xem.

Tuy nhiên, nếu không có biện pháp an toàn, kiến trúc rất dễ bị hư hại. Nên xây dựng mái che, tường quanh với hệ thống thoát nước và các biện pháp bảo vệ hợp lý để đưa kiến trúc vào hệ thống các điểm giới thiệu cho du khách đến với Gò Tháp.

Những di vật được phát hiện

PGS.TS Đặng Văn Thắng rất vui khi trong quá trình khai quật khảo cổ khu vực chân Gò Tháp Mười phát hiện được Đền Thần Vishnu, đặc biệt là Ao Thần Gò Tháp Mười.

Đây là kiến trúc Ao Thần bằng gạch thứ 3 được tìm thấy ở khu vực Gò Tháp (sau Ao Thần Gò Tháp ở khu vực “tường thành phía Tây Gò Tháp Mười được khai quật năm 2010 và Ao Thần phía Đông Gò Minh  Sư khai quật năm 2013). Điều rất quý ở đây là miền Nam chỉ có Gò Tháp mới có Ao Thần bằng gạch.

Ao Thần mới được phát hiện có diện tích khá lớn (576m2), khá nguyên vẹn nhưng lại không có nhiều vật. Tuy đều là kiến trúc ao nằm phía Đông đền chính như Ao Thần Gò Minh Sư nhưng hai kiến trúc này vẫn có những nét khác biệt tạo nên sự đa dạng trong bố cục kiến trúc đền - ao ở KDT Gò Tháp nói riêng và kiến trúc văn hóa Óc Eo nói chung.

Tuy chưa được khai quật hoàn toàn nhưng có thể thấy Ao Thần có vai trò quan trọng trong tổ hợp kiến trúc Gò Tháp Mười với đền thờ chính là Đền Vishnu nằm trên đỉnh gò, từ Ao Thần đến điện thờ chính là các kiến trúc phụ khác như đường đi, cổng.

Ao Thần Gò Tháp Mười hiện đã được khai quật một phần và thể hiện được nhiều ý nghĩa khoa học, nghệ thuật. Tuy nhiên, để có thể nghiên cứu toàn diện và hoàn chỉnh hơn cần được tiến hành khai quật toàn bộ kiến trúc, nhất là phần lòng Ao Thần, phần hầu như chưa được khai quật nhiều vì diện tích của ao khá lớn.

Đoàn khai quật đề nghị, sau khi khai quật một phần của Ao Thần nên được giữ lại và xây dựng hệ thống kính cường lực để phục vụ tham quan, phần còn lại được lấp kỹ thuật để bảo tồn.

Tại nhiều nơi khai quật, đoàn đã phát hiện nhiều di vật có tầm quan trọng đến công tác nghiên cứu: 9 tảng đá được tìm thấy như một bộ phận của kiến trúc và được để lại tại di tích, 11 mảnh đá có dấu vết chế tác, phát hiện được 1 mảnh đá có chữ (đến nay chưa dịch ra), một số mảnh vàng.

Đặc biệt, trong đợt khai quật lần này đoàn tìm thấy được một viên gạch có lỗ vuông, chất liệu sét pha cát, màu vàng nhạt; hiện vật chất liệu kim loại, thủy tinh,...

Viên gạch có lỗ vuông
Viên gạch có lỗ vuông

Ông Trần Văn Nam - Trưởng Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Đồng Tháp) cho biết, Gò Tháp là một quần thể các di tích gần nhau nên rất đặc biệt.

Do đó, đề nghị đoàn khai quật khảo cổ tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích và những di vật, kiến trúc được phát hiện. Ngoài ra, các ngành liên quan cần có sự phối hợp tổ chức những buổi hội thảo về các đền ở KDT Gò Tháp.

Sau khi khai quật cần phải xây dựng hệ thống mái che và thoát nước thích hợp để bảo vệ và giới thiệu di tích đến với du khách. Bên cạnh đó, thời gian tới cần có bản đồ khảo cổ học ở Gò Tháp để thông tin cho du khách dễ hình dung toàn cảnh di tích Gò Tháp nhằm phục vụ du lịch.  

Ông Nguyễn Hữu Lý - Giám đốc KDT Gò Tháp cũng cho rằng, việc khai quật 4 khu vực tại Gò Tháp góp phần giúp du khách hiểu thêm về vết tích của văn hóa Óc Eo từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến tôn giáo của cư dân.

Những kết quả trên chỉ là bước đầu của quá trình khai quật khảo cổ năm 2015 tại Gò Tháp, bởi ông Nguyễn Hữu Lý cho rằng, qua những gì được khai quật cho thấy lòng Gò Tháp còn chứa ẩn rất nhiều kiến trúc, di vật mang đậm giá trị văn hóa.

Theo Báo Đồng Tháp