Blog thị trường

Tăng trưởng ngược chiều

Cập nhật, 14:00, Thứ Sáu, 01/04/2016 (GMT+7)

Báo cáo tại Chương trình họp mặt hội viên năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 30/3, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực ĐBSCL đang đi xuống.

Cụ thể, nếu như giai đoạn 2001- 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đạt 10%/năm, thì bình quân giai đoạn từ 2011- 2014 giảm chỉ còn 8,8%/năm. Năm 2015, tiếp tục giảm còn 7,8%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL đang ngược chiều với tốc độ tăng trưởng của cả nước.

Đi tìm lời giải đáp, ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ- cho biết: Trong giai đoạn 1997- 2001, khi kinh tế cả nước khó khăn và suy giảm thì khu vực của ĐBSCL tăng trưởng tốt, nhưng sau đó, khi cả nước tốt hơn, thì ĐBSCL lại giảm xuống. Đó là do cấu trúc ĐBSCL dựa chủ yếu vào nông nghiệp.

Theo ông, những năm kinh tế khó khăn lại là những năm nông nghiệp thuận lợi. Còn những năm kinh tế phục hồi, thì nông nghiệp rơi vào suy thoái và chiều hướng suy thoái của nông nghiệp ngày càng dài ra, biên độ để nông nghiệp tăng trưởng trở lại không còn cao nữa. Trong khi đó, khu vực dịch vụ thì yếu; còn công nghiệp thì cũng chỉ có chế biến, mà chủ yếu cũng dựa vào nông nghiệp, cho nên rõ ràng cấu trúc quá phụ thuộc vào nông nghiệp đã “cản bước” đi lên của ĐBSCL.

Trong khi đó, thay vì phải tập trung nguồn lực vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh học thì khu vực ĐBSCL lại mất quá nhiều thời gian, chỉ lo chạy theo tăng sản lượng, tăng diện tích để xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn gạo, bao nhiêu triệu tấn cá.

Chính vì thế, tốc độ phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL đi xuống, đặc biệt là khi nông nghiệp không còn khả năng phát triển nhờ mở rộng diện tích, tăng sản lượng như trước kia được nữa.

Bido2_40.com