Mưa trái mùa, nông dân lo lắng

Cập nhật, 06:04, Thứ Sáu, 08/04/2022 (GMT+7)

 

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và xử lý thoát nước mưa kịp thời.
Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và xử lý thoát nước mưa kịp thời.

(VLO) Những ngày qua, nhiều cơn mưa trái mùa xuất hiện khiến nông dân lo lắng bất an bởi thời điểm này nông dân đang tập trung xuống giống vụ Hè Thu. Nông dân phải khơi thông rãnh ở ruộng để thoát nước, khơi thông kinh mương để nước mau rút.

Nhiều nông dân vừa xuống giống vụ lúa Hè Thu cho hay, nếu như những năm trước, đầu vụ lúa Hè Thu nông dân lo lắng bởi ảnh hưởng của thời tiết khô hạn thì ngược lại ở vụ này nông dân đang đối mặt với những cơn mưa liên tục. Nhiều diện tích đã và đang xuống giống đang bị thiệt hại bởi các cơn mưa trong những ngày qua.

Chú Nguyễn Văn Hùng (xã Phú Đức- Long Hồ), cho biết: “Vừa mới xuống giống 2 ngày nhưng ruộng đã mắc mấy cơn mưa, trong đó có 2 cơn mưa rất lớn, kéo dài. Thăm ruộng, tôi thấy lúa giống chết khá nhiều, phải tốn thêm tiền thuê người giặm lúa nữa”.

Bên cạnh những ruộng lúa đã sạ bị thiệt hại thì một số ruộng đã phải gieo sạ khi ruộng đầy nước mưa do không thoát kịp. Cô Võ Bích Loan (xã Phú Đức- Long Hồ), cho biết: “Đúng ra là sạ rồi nhưng phải dời lại, rồi lại mưa tiếp nên chỉ còn cách sạ luôn chứ không neo giống được nữa. Vừa mưa vừa nước lên, rồi thêm ốc bươu vàng, vụ này lo quá”.

Ghi nhận ở nhiều địa phương các cơn mưa trái mùa những ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa chết giống khá nhiều. Đặc biệt một vài cơn mưa lớn đã làm nhiều diện tích lúa bị chìm trong nước. Nông dân đang rất lo lắng nếu không thoát nước kịp diện tích lúa chết giống là rất lớn.

Bà Lê Thị Mười (xã Hòa Lộc- Tam Bình), cho hay: “Hồi đó giờ mới có trường hợp này, mấy mùa trước lo lúa bị chết khô, chết phèn, ai ngờ mùa này bị ngập nước mưa”.

Một số diện tích lúa vụ Hè Thu bị ngập nước do mưa.
Một số diện tích lúa vụ Hè Thu bị ngập nước do mưa.

Mưa lớn, trái mùa ngay trong mùa khô thể hiện sự bất thường của thời tiết gây nhiều khó khăn cho nông dân trong vụ lúa Hè Thu năm nay. Nhiều nông dân bày tỏ lo lắng, trước khi bắt đầu vụ lúa giá phân bón, dịch vụ nông nghiệp tiếp tục tăng đã gây nhiều khó khăn, nay lại mưa trái mùa còn làm chết giống, khiến khó càng thêm khó.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Thời điểm này năm trước, vụ lúa vào mùa nắng nóng nhưng năm nay xuất hiện một số cơn mưa trái mùa, mưa đêm, ảnh hưởng đến một số diện tích sản xuất lúa của nông dân. Khi ruộng lúa bị thiệt hại, nông dân cần nhanh chóng báo với chính quyền địa phương để ngành chức năng đến khảo sát, ghi nhận, thẩm định để hỗ trợ theo quy định.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), điều kiện thời tiết nắng nóng- mưa trái mùa xen kẽ thích hợp cho một số bệnh trên lúa tiếp tục phát sinh, phát triển trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh-làm đòng. Đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML202, Jasmine, IR50404, OM 5451, Đài Thơm 8,… có thể bị hại nặng.

Do đó, với những diện tích đã xuống giống, nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh cần ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ lúa Hè Thu năm nay tỉnh có kế hoạch sản xuất 47.000ha, chia làm 3 đợt. Tính đến nay, vụ Hè Thu 2022 đã xuống giống trên 20.200ha, đạt trên 43% so với kế hoạch vụ. Đợt này (từ ngày mùng 10 tháng 2 đến mùng 10 tháng 3 âl) nông dân xuống giống khoảng 30.000ha. Nhìn chung, bà con nông dân tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vệ sinh đồng ruộng, xới phơi đất để vừa cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh vừa tăng độ phì cho đất, sử dụng các bộ giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, có khả năng kháng sâu bệnh nhằm tăng năng suất và nâng cao phẩm cấp sản phẩm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG