Nhà nông tìm hiểu

Nâng cao hiệu quả nuôi ghép thủy sản

Cập nhật, 15:22, Thứ Ba, 16/11/2021 (GMT+7)

(VLO) Tôi thấy nhiều người nuôi ghép nhiều loại thủy sản với nhau trong ao để tận dụng tối đa nguồn thức ăn và diện tích mặt nước. Bạn Nhà nông cho hỏi cách nuôi như vậy có hiệu quả không và những loài nào phù hợp để nuôi ghép?

Đỗ Trung Thành (Tân An Thạnh- Bình Tân)

Anh Thành thân mến! Để nuôi ghép nhiều loại thủy sản với nhau, anh cần lưu ý lựa chọn kỹ đối tượng để nuôi ghép. Theo đó, thời gian nuôi để đạt được kích cỡ thương phẩm của các đối tượng nuôi ghép phải tương đương nhau để thu hoạch cùng lúc.

Các loài cá nuôi ghép phải không cạnh tranh nhau về thức ăn, không gian sống. Không nuôi ghép các loài cá dữ (cá lóc) chung với cá thát lát.

Nếu nuôi ghép các loài cá dữ với cá khác thì nên nuôi cá dữ trong vèo đặt trong ao còn các loài cá khác nuôi bên ngoài vèo. Nên xác định một đối tượng nuôi chính và đối tượng nuôi phụ.

Không nuôi ghép quá nhiều loài cá với nhau (dưới 4 loài) và đối tượng nuôi chính phải chiếm trên 50% tổng các loài nuôi ghép.

Bên cạnh, anh cần chú ý đến cơ cấu nuôi hợp lý. Mật độ thả tùy vào đối tượng nuôi, điều kiện ao nuôi, điều kiện địa phương (nguồn nước, nguồn tiêu thụ,…). Anh có thể lựa chọn nuôi ghép một số loài sau đây:

- Nuôi ghép cá thát lát cườm với cá sặt rằn hoặc cá tra (cá thát lát cườm nuôi chính), trong đó cá thát lát cườm nuôi trong vèo đặt trong ao, còn cá sặt rằn hoặc cá tra nuôi bên ngoài.

- Nuôi ghép ếch với cá rô phi đỏ hoặc cá rô… (ếch nuôi chính), trong đó ếch nuôi trong vèo đặt trong ao, còn cá thì nuôi bên ngoài.

- Nuôi ghép cá tai tượng với cá mè trắng và cá chép (cá tai tượng nuôi chính).

Mật độ nuôi: từ 10- 20 con/m2 đối với đối tượng nuôi chính và từ 1- 2 con/m2 đối với đối tượng nuôi phụ.

Ngoài ra, anh cũng cần đảm bảo về kỹ thuật nuôi như ao nuôi, con giống, thức ăn, cách chăm sóc cũng như ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và thu hoạch.

BẠN NHÀ NÔNG