76 năm ngành Nông nghiệp và PTNT

Từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế

Cập nhật, 06:18, Thứ Ba, 16/11/2021 (GMT+7)

 

Cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh chụp trước dịch COVID-19.
Cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh chụp trước dịch COVID-19.

(VLO) Nhân kỷ niệm 76 năm ngành Nông nghiệp và PTNT (14/11/1945- 14/11/2021), theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế của Vĩnh Long, là nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Mặc dù chịu sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, song, bằng sự nỗ lực, năng động, nông nghiệp tỉnh nhà đã phát huy tiềm năng, lợi thế để vượt khó, từng bước nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Nhiều bước tiến vững chắc

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích hợp chỉ đạo sản xuất gắn với thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, xem là nhiệm vụ thường xuyên của ngành. Đồng thời, thực hiện các hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông đồng bộ, khép kín, đảm bảo tưới tiêu cho trên 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 100% tuyến đường giao thông liên ấp thông suốt, thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng nông sản.

Thực hiện đề án của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”.

Theo ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng định hướng, chăn nuôi giữ vững được tổng đàn và theo hướng an toàn sinh học.

Thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích tăng trên 8%/năm. Đồng thời, khôi phục và mở rộng được các làng nghề nông thôn; tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông sản tập trung đang từng bước hình thành, phù hợp lợi thế của từng địa phương và gắn với định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh. Các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa hình thành và phát triển đã góp phần giải quyết được khó khăn về đầu ra, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Vững vàng vượt khó, phát triển bền vững

Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, đóng góp quan trọng cho kinh tế tỉnh Vĩnh Long (ảnh chụp trước dịch COVID-19).
Ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, đóng góp quan trọng cho kinh tế tỉnh Vĩnh Long (ảnh chụp trước dịch COVID-19).

Tuy ngành nông nghiệp đã đạt được những mốc son quan trọng, song vẫn còn những khó khăn, thách thức. Trước hết, đó là vấn đề tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất nhỏ lẻ hiện nay khó đáp ứng nhu cầu thị trường.

Không chỉ vậy, việc Việt Nam tham gia vào WTO và Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA)- vừa là cơ hội lớn, đầy tiềm năng cho các sản phẩm nông nghiệp,…

Khi dịch COVID-19 bùng phát, đã đặt ra nhiều thách thức mới cho ngành nông nghiệp. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm, cho rằng: Qua thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, có thể thấy vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết; các nông sản nhỏ lẻ, phân tán rất khó tiêu thụ.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế của tỉnh và sẽ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường, từ phát triển theo số lượng sang chất lượng để có hiệu quả cao hơn.

Theo đó, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh- trong đó có mặt hàng lúa gạo; phát huy vai trò trung tâm của các hợp tác xã nông nghiệp trong tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản, liên kết sản xuất- tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Có thể thấy, với những bước phát triển mạnh mẽ, ngành nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống cho người dân, phát huy vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Trong thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan- có nói: Trên hành trình 76 năm, ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua nhiều thách thức, thiết lập những mốc son, vững chãi vai trò “trụ đỡ” khi đất nước ở vào tình thế gian khổ.

“Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta quyết không chấp nhận đứng yên, dừng lại, rồi bị xô ngã. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta chủ động mượn sức gió để đi xa, bay cao. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người, mỗi tổ chức đơn vị cần mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới, sáng kiến mới, thí điểm triển khai những mô hình mới. Ngoài kia gió đang thổi, mỗi người chúng ta trân quý khoảng thời gian cùng nhau gắn bó, cùng nhau làm việc, cùng nhau đi tới thành công”.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG