Cần đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối các kênh tiêu thụ nông sản

Cập nhật, 05:53, Thứ Ba, 14/09/2021 (GMT+7)

 

Nhiều loại nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra.
Nhiều loại nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra.

(VLO) Vừa phải phòng chống dịch bệnh, vừa phải tìm cách tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách xã hội, trong khi khâu vận chuyển gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ chậm, ít thương lái đến mua… Nông dân đang gặp trăm bề khó.

Nông sản “bí” đầu ra

Chưa bao giờ tình hình tiêu thụ nông sản lại khó khăn như hiện nay là chia sẻ của nhiều nông dân. Nông sản không chỉ chật vật trong chuyện xuất khẩu mà do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường nội địa cũng gặp nhiều khó khăn. Nông dân đứng ngồi không yên khi vào vụ thu hoạch mà người mua không thấy đâu!

Vào vụ thu hoạch rộ, nhưng 3 công mướp, 3 công bí đỏ, 7 công bí xanh, sản lượng thu hoạch 1 tấn/ngày của anh Võ Trọng Nghĩa (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) bán quá chậm.

Anh Nghĩa chia sẻ: “Rất ít thương lái đến mua, hoặc mua chỉ 200- 300kg, sản lượng tồn đọng rất nhiều. Vụ này năng suất khá, trái đẹp. Trồng nhiều năm nhưng đó giờ mới thấy tình trạng không bán được, rầu quá rầu”.

Nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trà Ôn cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều ngày qua, giá các loại trái cây đồng loạt rớt thấp, nhất là các loại nông sản như đu đủ, chanh, tắc,… nếu trừ chi phí cũng “hết lời”. Chưa kể không có thương lái thu mua do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

Mới trồng 2 công chanh bông tím vào vụ thu hoạch đầu tiên, chị Phạm Thị Đủ (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), cũng rầu rĩ: “Tới đợt hái rồi mà không có một thương lái đến mua, tôi phải hái bán lẻ ngày vài chục ký để mong lấy lại chi phí đã đầu tư vào. 2 công chanh với sản lượng 300 kg/ngày chờ thu hoạch giờ không biết tiêu thụ sao cho hết. Nhưng tới đợt phải hái, đâu neo trái hoài cây sẽ bị suy”.

7 năm trồng thanh long ruột đỏ, chị Dương Ánh Hồng (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) cũng đau đáu nỗi lo không bán được.

Chị Hồng cho biết: “10 công trồng thanh long của tôi vào vụ rồi mà không có thương lái nào đến tìm mua, chỉ ít người hỏi mua để làm từ thiện. Bán chợ không được nên tôi đành hái bán lẻ giá 10.000- 13.000 đ/kg, mức giá này là huề vốn tới lỗ. Chủ yếu tôi bán online rồi giao hàng nhưng cũng không được bao nhiêu”.

Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn cho biết: Tình hình tiêu thụ rau màu, trái cây chậm so với trước khi giãn cách xã hội.

Trong đó, một số loại màu gặp khó trong tiêu thụ như rau nhút, đu đủ,… Tại số xã: Tích Thiện, Hòa Bình, Phú Thành, Lục Sĩ Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân… một số hộ dân gặp khó trong tiêu thụ nhãn, chôm chôm, chanh, tắc quý,…

Tương tự, tại Mang Thít, nhiều nông dân cho hay, việc lưu thông và tiêu thụ hàng hóa còn chậm do áp dụng giãn cách xã hội, giá cả một số mặt hàng nông sản giảm nhất là các loại thanh long, mít Thái, bưởi da xanh, tắc.

Cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời

Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực “tự cứu mình” của nông dân, bằng nhiều hình thức linh hoạt ngành chức năng cũng đã kết nối, hỗ trợ giúp nông dân tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản.

Bên cạnh kết nối trực tiếp, ngành nông nghiệp phối hợp ngành công thương đã xây dựng kết nối tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng, siêu thị để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản nhưng con số vẫn còn khá khiêm tốn so với lượng tồn đọng nông sản hiện nay.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít Cao Thị Đẹp cho biết: Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và áp dụng giãn cách xã hội, rất ít thương lái đi thu mua nông sản và cũng chỉ mua với số lượng ít để tiêu thụ trong tỉnh.

Tạm thời người dân tự đi bán sản phẩm của mình tại các chợ nên sản lượng nông sản còn tồn đọng nhiều. Một số sản phẩm đã đến thời điểm thu hoạch như chôm chôm, nhãn, sầu riêng,… vẫn chưa có thương lái đến thu mua.

Tại huyện Bình Tân, mặt hàng khoai lang tím cũng cùng chung số phận khi sản lượng còn quá nhiều mà tiêu thụ còn khá khiêm tốn.

Chú Sơn Văn Luận- Giám đốc Hợp tác xã Thanh Ngọc (xã Thành Trung- Bình Tân), cho hay: Hiện sản lượng khoai lang còn rất nhiều nhưng tiêu thụ chậm. Chủ yếu chỉ bán cho siêu thị, mạnh thường quân làm từ thiện. Hiện nay các chợ đầu mối cũng đã ngưng nhận hàng, tình hình càng thêm khó khăn.

Vụ này năng suất khá, từ 3 tấn/công nhưng với mức giá khoai lang tím hiện nay chỉ từ 3.000 đ/kg, nông dân coi như lỗ trắng. Chưa kể chi phí vận chuyển tăng gấp đôi.

“Rất mong các ngành chức năng xem xét, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím Bình Tân nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung”- chú Luận bày tỏ.

Theo Sở Công thương tỉnh, từ khi thành lập các tổ thu mua nông sản hoạt động tốt nên tình hình tiêu thụ nông sản của người dân tại địa phương cũng khá hơn. Sản lượng nông sản được thương lái tổ chức thu mua và tiêu thụ chủ yếu là ở chợ đầu mối tại các huyện trong tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều, tiêu thụ chậm như cải xà lách xoong, diếp cá, chanh, khoai lang tím,…

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Nông nghiệp- PTNT, các huyện- thị- thành triển khai công tác xúc tiến thương mại, phối hợp chặt chẽ cùng sở công thương các tỉnh- thành triển khai đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Nhiều nông dân kiến nghị, thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ kết nối các kênh tiêu thụ, ngành chức năng nên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi có đủ điều kiện phòng chống dịch COVID- 19 được thu gom nông sản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ kịp thời tiêu thụ nông sản càng sớm càng tốt, để nông dân bớt thiệt hại.

Bài, ảnh: TRÀ MY