Nông dân làm ăn lớn

Cập nhật, 14:05, Thứ Tư, 12/10/2016 (GMT+7)

Theo Hai Lúa tui suy nghĩ, nông dân mình muốn làm ăn lớn, trước hết phải lớn về diện tích đất sản xuất, trong khi thực tế thì chỉ một số vùng là những nông dân có trong tay vài chục công đến vài trăm công đất, còn đa phần là đất đai manh mún.

Như ở vùng đồng bằng mình, phải nói là đất rộng nhưng người cũng quá đông, việc phân chia đất từ đời ông dài xuống tới đời mấy đứa cháu thì hổng còn bao nhiêu.

Mà đất đai manh mún thì khó có thể làm ăn lớn được, do đó cái chuyện khai thác không hiệu quả hoặc là cho người khác thuê mướn cũng không phải là ít.

Hai Lúa tui nghĩ: Nhà nước mình nên tạo ra cơ chế để những người có đủ khả năng, có đủ nguồn lực có thể tiến tới tích tụ ruộng đất, mới mong có những vùng quy hoạch chuyên canh rộng lớn, đồng loạt được.

Như vậy, trong quá trình tích tụ ruộng đất sẽ có nhiều người không ruộng, cho nên Nhà nước đồng thời cũng quan tâm sự dịch chuyển lao động nông thôn, nhất là đào tạo nghề cho bà con.

Chuyện nữa là, nếu muốn làm ăn lớn thì phải có công nghệ, có khoa học kỹ thuật cao. Đương nhiên là cần có đội ngũ chuyên gia, đội ngũ trí thức tham gia sâu vào quá trình sản xuất ở đây, điều này không phải là dễ bởi đồng bằng mình chưa hấp dẫn lắm đối với đội ngũ trí thức, các chuyên gia cao cấp về đây công tác.

Gần đây, nông thôn mình có một hướng đi mới, là chính những nhà nông “tự tạo chất xám” cho mình, cụ thể là đang có phong trào nhiều nhà nông cho con em theo học các ngành học sát sườn với ruộng rẫy, rồi về tham gia canh tác trực tiếp trên đất đai gia đình mình.

Đáng mừng là có một lớp thanh niên trẻ, tự xác định hướng đi lập nghiệp của mình bằng con đường gắn với nông thôn, gắn liền với nghề nông và các dịch vụ nông nghiệp.

Đó là một số tín hiệu vui cho nông thôn ở khu vực đồng bằng mình.

Hailua@.com