Xuống giống sớm "né" hạn mặn

Cập nhật, 14:54, Thứ Ba, 11/10/2016 (GMT+7)

 

Khó khăn cho nông dân là hiện chưa có nhiều giống chịu mặn tốt nhưng đảm bảo năng suất.
Khó khăn cho nông dân là hiện chưa có nhiều giống chịu mặn tốt nhưng đảm bảo năng suất.

Đông Xuân là vụ lúa sản xuất chính trong năm. Sau nhiều năm tăng trưởng đều đặn, thì vụ Đông Xuân năm 2016 tăng trưởng đạt thấp. Từ những gì đã xảy ra, vụ Đông Xuân 2016- 2017 tại khu vực ĐBSCL được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng hạn mặn.

Bộ Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo những nơi có điều kiện thuận lợi có thể xuống giống sớm hơn so hàng năm nhằm hạn chế thiếu hụt nước tưới và mặn xâm nhập.

Xâm nhập mặn sớm hơn

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình lũ thấp tại ĐBSCL năm 2016 nên khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ mùa khô 2017 sẽ cao và sớm hơn cùng kỳ nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo, vụ Đông Xuân này nhiều khả năng ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt trong sản xuất như vụ Đông Xuân 2015- 2016.

Đặc biệt, các tỉnh ven biển diện tích có khả năng ảnh hưởng bởi hạn, mặn là hơn 300.000ha, chiếm hơn 35% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm hơn 21% diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 2016-2017 toàn vùng ĐBSCL.

Còn theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp- PTNT), lũ đầu mùa hiện ở mức thấp và dự báo sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực; khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ mùa khô 2016- 2017 sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm.

Vì vậy, cần căn cứ vào thực tế sản xuất vừa qua để tính toán diện tích, thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn.

Vụ Đông Xuân 2016- 2017 toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo sạ hơn 1,5 triệu hecta, giảm gần 5.000ha; năng suất đạt 7 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn, tăng gần 800.000 tấn so vụ Đông Xuân 2015- 2016.

Một lo ngại khác là hiện vẫn chưa có giống lúa cải tiến ngắn ngày chịu được độ mặn ở mức trên 5‰ mà vẫn cho năng suất ở mức đảm bảo có hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, các giống OM6976, OM5451, OM9921, OM5621, OM6677, ST5,... chỉ chịu được mặn ở mức độ trung bình- khá (từ 2-3‰) khi độ mặn từ 4‰ trở nên năng suất giảm, không đạt hiệu quả kinh tế, trong khi các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn (khoảng 4‰) là Một bụi đỏ, OM2517, OM9577, OM5464...nhưng không vượt được ngưỡng trên 5‰.

Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, vùng xâm nhập mặn hiện nay nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu mặn ở mức khá, kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trổ bông.

Gieo sạ sớm khi có điều kiện

Ths. Lê Thanh Tùng- Phó trưởng Phòng Cây lương thực- Thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho hay, năm nay lũ nhỏ, để né hạn, mặn Cục Trồng trọt đã điều chỉnh lịch thời vụ xuống giống sớm hơn cùng kỳ và thông báo cho các địa phương bị ảnh hưởng mặn theo dõi thực hiện. Theo đó, trong tháng 10 này sẽ có khoảng 420.000ha được nông dân gieo sạ sớm và diện tích còn lại sẽ được gieo sạ trong những tháng kế tiếp và dứt điểm vào ngày 10/1/2017.

Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm 2016- 2017, tỉnh dự kiến xuống giống 60.000ha, chia làm 3 đợt xuống giống, bắt đầu từ 22/9 và kết thúc vào 8/12/2016.

Đối với các vùng có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn ở 3 huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn, ngành nông nghiệp khuyến cáo nên bố trí lịch gieo sạ trong đợt 1 và đợt 2. Nếu không bố trí được trong 2 đợt nên khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng để hạn chế tối đa thiệt hại do hạn mặn.

Biểu đồ xuống giống lúa theo các tháng vụ Đông Xuân 2015- 2016 và Đông Xuân 2016- 2017
Biểu đồ xuống giống lúa theo các tháng vụ Đông Xuân 2015- 2016 và Đông Xuân 2016- 2017

Ông Tăng Đức Thắng- Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam yêu cầu các địa phương cần theo dõi diễn biến thời tiết; phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy nước.

Bên cạnh đó, xem xét tích trữ nước hợp lý vào hệ thống kinh mương, ao, đầm, khu vực trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới; đồng thời theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả.

Một số địa phương cũng cho biết đang khẩn trương quy hoạch lại sản xuất, trong đó cắt giảm diện tích gieo sạ ở những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước ngọt, chuyển sang cây trồng cạn, trồng cỏ để phát triển chăn nuôi bò, dê. Những vùng khắc nghiệt, các địa phương đang tính toán chỉ làm lúa 2 vụ/năm gồm Đông Xuân sớm và Hè Thu muộn để giảm thiệt hại.

 

Theo Tổng cục Thủy lợi, nếu không có gì biến động lớn, lũ ở ĐBSCL năm nay là lũ nhỏ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ dự báo vào khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10 ở mức trung bình, báo động 1 và báo động 2, cao hơn năm 2015 nhưng thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Nếu có bất thường thì lũ vùng ĐBSCL cũng ở mức dưới 4,5m tại Tân Châu.

  • ™Bài, ảnh: HOÀNG MINH