Cảnh báo mất dinh dưỡng đất ruộng do khai thác tầng mặt

Cập nhật, 16:20, Thứ Sáu, 05/08/2016 (GMT+7)

Mặc dù việc đào lớp đất mặt ruộng bán cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng được ngành chức năng cảnh báo gây rất nhiều hệ lụy, song, cách làm này hiện vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.

Anh Huỳnh Văn Sang (ấp Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) cho biết, việc bán tầng mặt đất ruộng diễn ra phổ biến tại địa phương. Sau mỗi vụ lúa, xe cuốc, xe tải sẽ đến tận ruộng đào lấy hết lớp mặt. “Người dân bán như cho” với mục đích “sửa đất” ruộng gò cho bằng phẳng để dễ canh tác lúa hơn.

Một số nông dân cho rằng, việc hạ độ cao mặt ruộng không hoàn toàn có hại, bởi với những vùng ruộng gò, các chất thải hữu cơ như rơm rạ, phù sa bồi lắng... làm cho mặt ruộng ngày càng cao, khó điều tiết nước. Những diện tích đất sau khi cải tạo xong cũng đã giúp bà con làm lúa rất trúng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Quang Minh- Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- Trường ĐH Cần Thơ- nếu việc khai thác đất mặt ruộng quá đà, ngành chức năng không kiểm soát sẽ dẫn đến hệ lụy là bề mặt ruộng đất lồi, lõm, nơi thấp, nơi cao, đất dễ bị lún không thể cơ giới hóa.

Chưa hết, những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên, ảnh hưởng đến sản xuất hoặc không thể trồng lúa được.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cũng cho rằng, đất mặt là lớp đất màu mỡ, nếu lấy đi sẽ mất phù sa, lớp đất còn lại vài ba năm sau mới có thể cải tạo tốt được. Ông đề nghị chính quyền địa phương cần có giải pháp can thiệp kịp thời, để tránh ảnh hưởng sản xuất về sau.

HOÀNG MINH