Cam sành và hướng đi mới

Kỳ 2: Chuyện ở làng tỷ phú cam sành

Cập nhật, 07:19, Thứ Tư, 23/05/2012 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Cam sành tìm lại “thời hoàng kim”


Trà Ôn ngọt những vụ cam.

Cam sành (CS) là cây làm giàu nhanh mà không cần phải lệ thuộc vào xuất khẩu. Thế nhưng, có những vùng cam “sát nách” nhau, mà bên đây thì ôm tiền tỷ, còn bên kia thì lại trắng tay, ôm… nợ?

Câu chuyện của làng tỷ phú CS mà chúng tôi sắp đề cập, có lẽ là câu trả lời khá xác đáng; đồng thời đặt ra những vấn đề quản lý nhằm có những hoạch định, giúp cho cây CS “đứng vững” và xây dựng thương hiệu “đặc thù” trên đất đồng bằng.

Cam sành: Nơi khóc

Nói đâu xa, về 2 xã: Vĩnh Xuân, Thuận Thới (Trà Ôn), chỉ cách nhau có một con rạch nhỏ, mà CS đã “vẽ” nên bức tranh với hai gam màu “xanh- vàng” trái ngược nhau. Mất có 5 phút qua con đò nhỏ, bên kia sông Tam Ngãi (Cầu Kè- Trà Vinh) cũng vậy, một xã đã có hàng chục tỷ phú nhờ cam, nhưng cũng có cả xóm lao đao đốn cam trồng… đu đủ.

Ông Nguyễn Hữu Có- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân không giấu giếm: “Chính tôi cũng đang trồng CS và nhiều cán bộ trong xã đã khá lên nhờ cam. Tuy nhiên, phải công nhận một điều, cây cam ghim xuống đất này cũng tốt, nhưng lạ cái nó không bền bằng cây cam ở dưới Thuận Thới”. Theo ông, CS trồng đến năm thứ 3 trở đi là bắt đầu phát bệnh, nhưng do đã ôm tiền triệu, tiền tỷ ngon ơ nên nhiều nông dân thay vì “biết dừng lại đúng lúc”, lại cứ mở rộng, cứ đeo bám, nên dần dần cũng bị “gỡ tay” lại hết, “giống như là đánh bạc!”

Nhiều nguyên nhân khác cùng “góp phần” tạo nên thất bại của nhiều hộ trồng cam, mà theo ông Nguyễn Thanh Ngoan- Chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh Xuân phân tích: Khi thấy nhiều người chỉ chuyển 2 công ruộng trồng cam, sau vụ trái chiếng bỏ túi tới hàng trăm triệu đồng, thế là ồ ạt đổ xô sang trồng cam, tạo nên cơn sốt cây giống. Lúc đó cứ thấy ghe cây giống cập bến là giành giật nhau mua mà không biết nguồn gốc từ đâu, dẫn đến khan hiếm giống nên “bình thường chỉ 4.000- 5.000 lại đẩy lên 10.000 đ/cây nhưng có khi không đủ bán”. Rồi phong trào mướn đất mở rộng diện tích, trong khi chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên từ chỗ sau thời gian diện tích CS “phình to”, giờ thì đang “teo tóp” lại, dịch bệnh tràn lan. Hiện Vĩnh Xuân chỉ còn 2 ấp Vĩnh Lợi và La Ghì trồng nhiều, những ấp khác “muốn khóc vì cam”. “Bệnh vàng lá gân xanh hoành hành trên cây CS làm không ít nhà vườn trắng tay và cũng không ít trường hợp bóp bụng “xuống cam” chuyển sang trồng cây khác. Chắc chắn diện tích sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới”- ông Ngoan dự báo.

Cam sành: Nơi cười

Chúng tôi về xã Thuận Thới, khi mùa cam bước vào vụ thu hoạch rộ. Từ cửa ngõ hương lộ Cống Đá- Vàm Giồng, chúng tôi đã “chạm mặt” những vườn cam bạt ngàn, trĩu quả. Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Thới Lê Văn Long cho biết: Trong 462ha cây trồng lâu năm toàn xã thì CS chiếm tới 175ha. Trong đó, có 96ha cam cho trái, còn lại là diện tích mới trồng, tăng khoảng 60ha so với năm 2011.

Nông dân Phan Văn Sường (Sáu Sường) ở ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới- một trong những người đầu tiên trồng CS và giàu nhất nhì xã này cho biết: Canh tác 21 công ruộng đã nhiều năm nhưng cho hiệu quả không cao nên ông quyết định lên liếp trồng CS. Sau thời gian cần cù chăm sóc, hiện vườn cam của ông cũng đã cho thu hoạch. “Vụ cam trái chiếng năm rồi chỉ có 8 công CS, tui bán xô cả vườn được 1,3 tỷ đồng. Vụ này, thương lái ra giá 1,8 tỷ nhưng tui chưa chịu bán vì giá cam đang tăng cao”- ông Sáu Sường tiết lộ.


Tỷ phú cam sành Sáu Sường trong vườn cam của mình.

Những ngày này CS đang vào mùa rộ, giá lại nhích lên từng ngày, các nhà vườn dự đoán giá không dưới 30.000 đ/kg, vì vậy thương lái cứ điện thoại như… giặc nhưng chú Sáu vẫn bình thản chưa chịu hái. Ông Đặng Văn Chín (ấp Cống Đá) cũng “đếm tiền mỏi tay” nhờ CS. Từ một phần ruộng lúa, ban đầu ông lên liếp trồng 12 công cam. Sau thu hoạch thấy lời kha khá, ông dần mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông có tổng cộng 35 công CS. Căn nhà gần 2 tỷ bạc vừa xây xong, cũng từ những vụ CS.

Bà con ở đây có câu nói cửa miệng: “Sau mùa thu hoạch là cam nó… lăn đầy đường”. Đó là từ tiền bán cam, tụi trẻ đua nhau mua xe đời mới chạy sáng trời. Tụi nó còn chịu chơi thuê nguyên giàn nhạc sống về chơi sáng đêm ngoài vàm Cửa Khẩu. Chú Sáu nhớ lại cái thuở trồng lúa, bà con đi tiệc giỗ giỏi lắm là lận lưng chai rượu đế, giờ thì toàn là bia lon. Và, câu chuyện trên bàn tiệc giờ chỉ xoay quanh cây CS.

Ông Lê Văn Long cho biết: Hầu hết dân trồng cam đạt trên 90%. 2 ấp Giồng Gòn và Cống Đá có hộ trồng lời 400- 500 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2009 đến nay, trồng nhiều theo hình thức lên ruộng lập vườn, chứ trước đây trồng hình thức vườn cải tạo. Ngoài tỷ phú CS Phan Văn Sường, Đặng Văn Chín, tại xã còn có hàng chục hộ khác có thu nhập trên 500 triệu/ha/năm như hộ các ông: Nguyễn Văn Bố, Phạm Văn Sua, Nguyễn Hoàng Nghĩa,… Khi được hỏi tương lai của cây CS thời gian tới, ông Lê Văn Long nói chắc nịch: “Chắc chắn tiếp tục tăng. Hiện ấp Giồng Gòn đã có trên 70% đất trồng lúa không hiệu quả lên liếp trồng cam, còn ấp Cống Đá cũng đã có trên 50% diện tích ruộng lúa được chuyển đổi”. Thống kê riêng ở ấp Giồng Gòn có trên 120 hộ thoát nghèo vươn lên khá giàu nhờ CS.

Tuy nhiên, để có được những vườn cam ngọt ngào trĩu quả như hôm nay là cả quá trình gian nan mày mò, chuyển đổi và cũng không thể thiếu những quyết định mạo hiểm của những người “mở mũi” trồng cam trên nền ruộng lúa bao đời nay. Chú Sáu Sường nhớ lại: “Chuyển đổi từ ruộng lúa sang CS đó là quyết định khó khăn nhất đời tôi. Làm ruộng mấy đời có bao giờ dám mơ có chục triệu cất tủ, lại dám đi vay ngân hàng 100 triệu đồng, mượn bà con thêm 50 triệu đồng. Do đó phải họp bà xã cùng 5 đứa con lại để đồng lòng họp sức và cũng chấp nhận chia sẻ rủi ro. May mà cây cam nó… chịu nghe lời mình”.

Nhưng cái thuở đầu làm cam quả thật lao đao, khi mà vườn cam của ông còn nằm…thoi loi giữa vùng ruộng lúa. Do đó rất khó khăn trong chủ động nguồn nước, nên phải lo bao bờ cực dữ lắm. Rồi phải đi vận động từng nhà cùng trồng cam theo mình, cũng nhiều khi bị mắng cho… ê mặt. Nhưng giờ đây hàng trăm hộ đã “liên kết” lại thành rừng CS bạt ngàn, chạy mút ra tới ngoài vàm toàn cam là cam, hệ thống thủy lợi đê bao toàn vùng trở nên chắc chắn an toàn hơn vào mùa mưa lũ. Đó là một trong những yếu tố bảo đảm cho những vụ cam “ăn chắc”.

Trong câu chuyện về cam, nhiều người hay nhắc đến anh Chín Kết ở ấp Cống Đá, người đã có trên 10 năm gắn bó với CS. Đi trước thành công, anh tận tình chỉ dẫn mọi người từng chút, nhiều lúc cho mượn cả cây vàng không tính lãi. Giờ đây, ở làng cam Thuận Thới nổi bật tình đoàn kết xóm làng, hỗ trợ tương thân, tương ái, người đi trước giúp người đi sau. Tấm lòng, cách sống đó càng làm đẹp thêm câu chuyện làm giàu ở làng tỷ phú CS.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- HOÀNG MINH